Bài 1: Hạn hẹp nguồn vốn
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển 15 nghìn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, vai trò của hợp tác xã ngày càng quan trọng. Để đạt được mục tiêu nêu trên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ, trong đó đáng kể nhất là nguồn vốn hoạt động…
Những điển hình thành công
Năm 2008, ông Nguyễn Thành Long, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, thành viên Hợp tác xã (HTX) Tầm Vu bắt đầu trồng thanh long trên diện tích chỉ 0,5 ha. Tới nay, ông đã có trong tay 10 ha thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch và 10 ha đang chuẩn bị trồng, cứ mỗi héc-ta cho sản lượng trung bình từ 30 đến 35 tấn trái/năm. Ông Long là một trong những người đầu tiên ở Châu Thành trồng thanh long ruột đỏ. Lúc đầu bán không ai mua, phải ký gửi vào các siêu thị, sau đó thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc, đến nay cũng đã xấp xỉ 10 năm. Ngoài vườn nhà, ông còn mua thêm thanh long của các nhà vườn, trung bình mỗi tháng 15 công-ten-nơ, mỗi công-ten-nơ từ 14 đến 15 tấn.
Điều đáng phấn khởi là sau gần 10 năm trồng thanh long, ông Long không còn gặp bất kỳ khó khăn nào nữa, kể cả vốn dù khi khởi nghiệp trồng thanh long, gia đình ông rất khó khăn trong việc lo chi phí đầu tư mặt bằng sản xuất, tiền mua trụ, hom (gây) giống, công cán, phân bón…
Giờ đây, doanh thu hằng năm của gia đình ông đã ổn định nhờ giá trái thanh long giữ ở mức cao. Nhờ nguồn thu đều đặn từ thanh long, ông không có nhu cầu vay vốn dù ngân hàng tìm tới để vận động vay.
Chị Nguyễn Thị Nga, một trong 15 thành viên của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) là một trường hợp khác. Hồi tháng 5-2018, khi hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, chị đã mạnh dạn mang sản phẩm hạt tiêu sạch thương hiệu Lệ Chí tới trưng bày. Tiêu sạch của chị Nga nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người, dù giá gần gấp hai lần so với các loại tiêu sản xuất theo phương thức thông thường. Theo chị Nga, tiêu sạch của gia đình chị chỉ mới có mặt ở thị trường hai năm nay nhưng đã có được chứng nhận sản phẩm tiêu hữu cơ USDA của Mỹ. “Cả tỉnh Gia Lai mùa rồi chỉ có hai vườn đạt được chứng nhận này. Mỗi lần kiểm tra phải thử gần 200 chất, gửi mẫu qua Hà Lan. Vườn tiêu hữu cơ của tôi hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân vô cơ. Chúng tôi bón phân hữu cơ và để cỏ mọc tự do, mỗi năm chỉ làm cỏ hai đến ba lần rồi dùng chính cỏ đó làm phân cho cây tiêu”.
Xã Nam Yang, huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai tuy là xã nhỏ nhưng sản lượng tiêu rất lớn. Riêng vườn tiêu hữu cơ nhà chị Nga dù sản lượng không cao, mỗi năm cũng đã cho sản lượng hơn 10 tấn và được bao tiêu đầu ra hoàn toàn. Phần lãi thu được đủ để trang trải kinh phí sản xuất, trả lương cho người lao động và có một chút tích lũy cho các vụ mùa sau.
98% số HTX nông nghiệp chưa được vay vốn
Để có những mùa quả ngọt này những hội viên HTX như ông Long, chị Nga phải trải qua muôn gian khó, nhất là vấn đề về vốn, kinh phí phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để trồng được cây tiêu hữu cơ, cũng như có được đầu ra thuận lợi, những hộ xã viên trồng tiêu phải đánh cược với rủi ro: đó là thế chấp tài sản đất đai, nhà cửa cho ngân hàng mới có đủ vốn sản xuất. Chị Nga cho biết: Không riêng thành viên HTX Nam Yang mới dùng phương án này, mà phần đông người dân trong vùng hiện nay đều phải thế chấp tài sản để vay vốn trồng tiêu. Tất cả đều muốn có nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước thay vì thế chấp nhà cửa, nhưng tiếp cận nguồn vốn này rất khó, trong khi HTX mới thành lập, rất cần máy móc để phục vụ sản xuất. Hiện tại, các thành viên HTX cũng chỉ bán hàng theo kiểu đơn giản nhất là đóng gói, dán nhãn thương hiệu rồi bán “sô”, tức bán nguyên liệu thô chưa qua thành phẩm. Nếu có nguồn vốn hỗ trợ nào đó thì chúng tôi sẵn sàng tiếp cận. HTX đang rất muốn có vốn để xây dựng kho xưởng, đầu tư máy móc sản xuất.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX Mỹ Tịnh An đã giúp cải thiện đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới và góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận thấy, dù Nhà nước đã quan tâm đề ra nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển HTX, nhưng vẫn còn nhiều HTX rất khó tiếp cận những chính sách này. Bài toán nan giải nhất đối với chúng tôi hiện nay là khó khăn về vốn. Trong khi phải làm việc cùng lúc với rất nhiều đối tác thì những lô hàng xuất khẩu đi châu Âu hay đi Mỹ phải mất hơn một tháng sau mới được khách hàng thanh toán tiền. Khó khăn về vốn nên việc mở rộng quy mô HTX cũng gặp không ít trở ngại. Hiện, HTX có diện tích hơn 100 ha thanh long và 10 ha dừa sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Có rất nhiều nông dân muốn gia nhập HTX Mỹ Tịnh An, nhưng chúng tôi phải cân nhắc do chưa thể tìm ra nguồn tiền đầu tư mở rộng thêm nhà kho”.
Thực trạng trên cũng đang là vấn đề chung của sáu triệu hội viên HTX thuộc 20.200 HTX đang hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt hiện nay. Trên thực tế, theo thống kê mới nhất của Liên minh HTX Việt Nam thì trong số hơn 20 nghìn HTX trên toàn quốc thì chỉ có khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn tự xoay xở! Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương khác như Hải Dương, Lạng Sơn thì tình trạng chung của HTX nông nghiệp là: Tài sản của HTX còn nghèo nàn; nhiều HTX không có trụ sở làm việc, phải nhờ UBND, nhà văn hóa hoặc làm việc tại nhà riêng; cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, trình độ công nghệ thấp. Bên cạnh đó là nguồn vốn hoạt động rất ít; nhiều HTX chưa có khả năng tích lũy vốn. Thành viên tham gia HTX chưa tuân thủ đầy đủ quy định về vốn góp, có những nơi hơn 50% số thành viên không có vốn để góp, hoặc có góp vốn nhưng mang tính hình thức…
Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho HTX được ban hành nhiều nhưng chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi cho nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc. Do đó, các chính sách hầu như chưa hỗ trợ được cho HTX như: các chính sách vay vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời gian qua dù được triển khai nhiều nhưng các HTX rất khó tiếp cận.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có 48 quỹ phát triển HTX, với số vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, vốn hoạt động hơn 1.600 tỷ đồng; trong đó, một quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, số còn lại trực thuộc Liên minh HTX các tỉnh, thành phố. Số lượng quỹ hỗ trợ HTX vốn đã ít, nguồn kinh phí của các quỹ này lại càng ít hơn so với số lượng HTX đang cần, chỉ từ 5 đến 10 tỷ đồng/quỹ. Theo thống kê, năm 2016, tổng số HTX được vay từ nguồn vốn này chỉ đạt 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các HTX sản xuất nông nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn khiêm tốn.
Đương nhiên, nguồn vốn hoạt động thấp làm cho quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc không mở rộng được dịch vụ, hiệu quả hoạt động không cao, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ rất hạn chế, các doanh nghiệp khó tính đến chuyện mở rộng sản xuất, nâng trình độ sản xuất lên tầm cao mới như sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...
Theo Tâm Thời - Từ Tuấn - Thanh Phong/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã