Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc Công ty CP Nông phẩm Công nghệ cao An Việt cho biết, trên thị trường, thực phẩm sạch đang phải cạnh tranh khốc liệt với thực phẩm không an toàn. Ở các điểm bán hàng của An Việt, người tiêu dùng sẵn sàng mua thực phẩm sạch với giá cao hơn 5 - 10% nhưng họ vẫn băn khoăn về chất lượng. Vì vậy, sản phẩm rau “5 không” của An Việt (không sử dụng giống biến đổi gene; không sử dụng phân đạm và phân hóa học; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học...) đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay, Công ty đã ký kết hợp đồng phân phối rau “5 không” cho hệ thống siêu thị Hapro, Fivimart, Co.opmart... nhưng số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn.
Câu chuyện của An Việt cho thấy, người nông dân trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm không có động lực thị trường để sản xuất những thực phẩm an toàn. Sản phẩm của họ chưa làm người mua đủ lòng tin để trả giá cao hơn, mặc dù sản phẩm đó được nói là sạch, là an toàn. Sở dĩ, người tiêu dùng Việt Nam mất niềm tin vào thực phẩm sạch là vì họ không biết thực phẩm ấy có sạch hay không, cũng không nắm được quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, sức tiêu thụ thực phẩm của nước ta tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, đạt khoảng 29,5 tỷ USD; năm 2016 dự kiến khoảng 5,8 triệu đồng/người. Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các nhà sản xuất, chế biến, nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa còn lỏng lẻo. Công nghệ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến nông sản, thực phẩm chưa bảo đảm, một số người dân vẫn sử dụng chất cấm, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Những điều này càng gây mất lòng tin cho người tiêu dùng.
|
Tạo lòng tin bằng cách nào?
Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Việc này sẽ trở nên dễ dàng khi sử dụng hệ thống truy xuất điện tử. Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) cho biết, bằng các thiết bị cảm biến không dây, camera giám sát… toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, thực phẩm và lịch sử chăm sóc được ghi lại và tạo thành một nguồn dữ liệu lưu vào máy chủ để tiện cho việc truy xuất. Doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nhà sản xuất.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử. Một phần nguyên nhân là do chưa có sự bắt buộc áp dụng, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, văn hóa minh bạch thông tin trong sản xuất còn rất mới mẻ. Hơn nữa, người tiêu dùng tuy than vãn về thực phẩm bẩn, nhưng lại chưa có các động thái quyết liệt như yêu cầu cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hoặc tẩy chay hàng hóa không có truy xuất nguồn gốc.
Một yếu tố nữa có thể tạo được lòng tin cho người mua chính là hệ thống kiểm tra, đánh giá an toàn thực phẩm hiện đại, chính xác và nhanh nhạy của Nhà nước hoặc của tư nhân được Nhà nước ủy thác hoặc của các tổ chức độc lập trực thuộc các hiệp hội nghề nghiệp. Chỉ có điều, cho đến nay, chúng ta chưa có một hệ thống như vậy. GS. Vũ Duy Giảng và cộng sự của mình - Kỹ sư Phan Bá Minh, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần cơ cấu lại hệ thống quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành theo hướng thống nhất toàn quốc, thay vì như hiện nay Bộ Y tế quản lý thực phẩm chế biến, Bộ NN - PTNT quản lý sản phẩm tươi sống, Bộ Công thương quản lý thực phẩm lưu thông trên thị trường. Hệ thống này phải tổ chức và xây dựng được các phòng đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm chính xác, hiệu quả, uy tín và có vai trò cấp chứng chỉ xác nhận chất lượng và độ an toàn sản phẩm của các cơ sở sản xuất.
Hà Nội triển khai truy xuất điện tử Hà Nội đang chuẩn bị triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất, phân phối hàng hóa nông sản thực phẩm an toàn. Theo đó, có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm (150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố phân phối tại Hà Nội). Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh (smartphone) chạy hệ điều hành IOS hoặc Android, người tiêu dùng có thể quét mã (QR code) trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm thông qua ứng dụng này và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập huấn cho người tiêu dùng cách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã