Những nhành lan rừng xanh mướt còn ướt đẫm sương sớm được xếp lại thành từng bó và bán với mức giá chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/cành. Mỗi ngày, chị Lường Thị Diên cùng nhiều bà con ở bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La có thể kiếm được 30-50 bó lan dại, đem lại mức thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày.
Khu vực xã Chiềng Cọ (TP.Sơn La) được biết đến là nơi có rất nhiều dãy núi đá trùng điệp đan xen những thung lũng trù phú.
Với khí hậu mát mẻ, mảnh đất Chiềng Cọ rất phù hợp cho nhiều loài cây phát triển. Trong đó, phải kể đến lan rừng. Lan rừng ở Chiềng Cọ khá đa dạng về chủng loại và màu sắc. Có loại mọc ở những vách đá cheo leo, có loại mọc trên những thân cây cao vút… loại nào cũng khoe hương sắc nơi đại ngàn.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách muốn được sở hữu những giò lan rừng đặc sắc của vùng núi Tây Bắc, chị Lường Thị Diên cùng nhiều bà con ở bản Ngoại (xã Chiềng Cọ) vẫn thường lên núi tìm lan dại về bán.
Những loại lan rẻ tiền sẽ được phân loại và bán theo bó.
Chị Diên thường chọn những loại lan dại mọc nhiều trên các vách núi đá vôi. Theo chị, những loại lan này dễ chăm sóc, lại có giá khá rẻ nên được nhiều người ưa chuộng. Từ sáng sớm, chị đã vào rừng tìm lan. Chỉ những loại nở hoa, hoặc đang ra nụ mới được chị chọn bởi có như vậy chị mới biết được “mặt hoa” để giới thiệu cho khách và khách cũng sẽ yên tâm mua đúng loại mình yêu thích.
Những bó lan dại rẻ tiền luôn được nhiều người quan tâm và lựa chọn
Lan sau khi thu về sẽ được phân loại và xếp thành từng bó. Giá bán mỗi bó tùy vào số lượng mua, dao động từ 10.000 – 15.000 đồng. Những ngày đắt hàng, chị Diên có thể bán hết 50 bó, đem lại thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
“Nghề tìm lan rừng cho thu nhập cao hơn làm nương nhưng khá nguy hiểm vì phải trèo lên những vách núi hoặc những cây cao. Nếu không cẩn thận có thể bị ngã hoặc rắn độc cắn đấy”, chị Diên chia sẻ. Vẫn biết là nguy hiểm rình rập, nhưng vì muốn kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình, nhiều người dân ở Chiềng Cọ vẫn không quản ngại gian khó để đi tìm lan.
Bên cạnh những loại lan rẻ tiền, một số người còn may mắn tìm được các giống lan quý, có giá trị kinh tế cao. Nhà chị Lò Thị Minh ở bản Hùn có hẳn 1 vườn “ươm” các loại lan đẹp như: phi điệp, hạc vĩ, đùi gà, vảy rồng… Cứ mỗi lần đi rừng tìm được các giống lan quý, chị đem chúng về nhà ghép vào các gốc cây và chăm đến lúc xanh tốt, hé nụ thì mới đem đi bán. Tùy vào độ dài của mầm, độ ưa chuộng của khách mà sẽ có giá bán khác nhau. Trung bình từ 150.000-2.000.000 đồng/mầm.
Mầm phi điệp dài khoảng 15cm được chị Minh rao bán với mức giá 400.000 đồng
“Giờ cả gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào việc tìm và bán lan rừng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi khai thác triệt để. Chỉ những mầm lan nào khỏe mạnh, có khả năng sống sót khi ra khỏi rừng thì mới được đem về nhà. Còn lại những mầm nhỏ sẽ vẫn được giữ nguyên để chúng phát triển thêm", chị Minh chia sẻ.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã