Vịt giống vừa ra lò ấp tại cơ sở ương giống Hùng - Nhàn |
Khác với mọi năm, giá vịt giống đang khá tốt do những vùng chăn nuôi lợn lớn ở phía Bắc liên tục thua lỗ trong hai ba năm qua, khiến nhiều hộ phải treo chuồng vì gãy vốn. Do vậy, người dân nhiều nơi đã chọn nuôi con vịt vừa không phải bỏ quá nhiều vốn đầu tư lại dễ “xử lý” khi gặp các tình huống rủi ro từ thị trường.
Chủ cơ sở chuyên ấp và kinh doanh con giống vịt siêu trứng - siêu thịt Hùng - Nhàn, ở xã Đại Xuyên cho biết, gia đình đã theo nghề này từ vài năm nay nhưng chưa khi nào tình hình kinh doanh con giống lại tốt như năm nay.
Chị Nhàn nói: “Cơ sở chúng tôi liên kết với hàng chục hộ nuôi vịt tại các huyện trọng điểm nông nghiệp của Hà Nội và Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Ước tính có khoảng 20 ngàn con vịt đẻ được bao tiêu sản phẩm trứng để cơ sở chúng tôi đưa vào lò ấp nở rồi xuất bán. Đây là hình thức liên kết làm ăn khá hiệu quả, chia sẻ lợi ích, đảm bảo đôi bên đều hưởng lợi”.
Chủ cơ sở Dũng - Hà ở ven quốc lộ 1A cũ thì cho hay, mỗi năm người nuôi vịt thường vào đàn hai lần, sau Tết Nguyên đán và dịp rằm tháng Tám. Năm nay hầu như các cơ sở kinh doanh, ấp nở vịt giống đều ăn nên làm ra vì chăn nuôi lợn thịt gần như bỏ chuồng.
Bà Hà Thị Yến, ở xã An Ninh, huyện Bình Lục (Hà Nam) mấy năm trước đây cũng nuôi lợn thịt quy mô hộ gia đình, khoảng 20 chục con nhưng kể từ khi xảy ra khủng hoảng giá lợn đã phải bỏ trống chuồng. Cách nay hơn một năm, gia đình bà thả nuôi trên 50 con vịt đẻ quây trong ao nhà.
“Hiện mỗi ngày trung bình đàn vịt đẻ túc tắc cho trên 40 quả trứng, bán buôn với giá 3.000 đồng/quả thì người nhà quê chúng tôi neo người cũng có thêm đồng ra đồng vào, mà lại đỡ lo lắng, vất vả hơn nuôi lợn trước đây”, bà Yến nói.
Nuôi vịt quy mô hộ gia đình có nhiều ưu thế |
Theo chủ cơ sở kinh doanh vịt giống Hùng - Nhàn, hiện đang là cao điểm vào đàn vịt nên trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán khoảng trên 10.000 con giống. Giá giống vịt bầu thường là 6.000 đồng/con còn vịt bầu lai tơ 7.000 đồng/con. Thị trường con giống thì hầu như khắp các tỉnh thành miền Bắc, miền núi phía Bắc và thậm chí là đóng hộp xuất đi cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
“So với vụ ấp giống đầu năm thì vụ này số lượng giống vịt ở Đại Xuyên giảm chừng 15 - 20% nhưng phấn khởi nhất là giá cả rất ổn định, SX ra đến đâu xuất bán hết đến đó. Sở dĩ người dân thích nuôi vịt vì nó ít bệnh dịch lại không cần vốn lớn như nuôi lợn, và có thể chủ động bán thịt hay nuôi để lấy trứng bán quanh năm”, ông Hùng cho hay.
Theo UBND huyện Phú Xuyên, trung bình mỗi năm hàng trăm cơ sở kinh doanh ấp nở con giống lớn nhỏ trên địa bàn huyện cung cấp trên 3 triệu con giống đi khắp cả nước, trở thành vựa giống thủy cầm lớn nhất khu vực ĐBSH. Ngoài ra, hai xã Đại Xuyên và Phú Yên còn là vựa cung cấp trứng, thịt gia cầm và thủy sản lớn. |
Tác giả bài viết: ĐỖ VÂN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã