Ông Đặng Quốc Khánh và đoàn công tác kiểm tra dịch bệnh tại Can Lộc, Đức Thọ |
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch hại.
Trong cuộc họp khẩn sáng 14/5 do ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, hầu hết ý kiến của lãnh đạo các huyện và ngành NN-PTNT đều nhấn mạnh nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát diện rộng là do thời tiết bất thường và khó lường...
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo phòng trừ ở một số địa phương còn chậm, thiếu quyết liệt; thực hiện chế độ báo cáo không kịp thời, số liệu phản ánh không đúng với thực tiễn đồng ruộng. Nhìn lại nguyên nhân này mới hiểu vì sao số liệu báo cáo trong vài ba ngày lại tăng chóng mặt, cụ thể, ngày 7/5 đạo ôn cổ bông gây hại 5.291ha, đến ngày 11/5 tăng lên 10.037ha, phải nhấn mạnh là thời điểm Chi cục Trồng trọt và BVTV cập nhật số liệu gây hại 5.291ha, thì con số thống kê của phòng NN-PTNT các huyện đã vượt quá con số cập nhật trên...
Sáng cùng ngày Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cũng đã đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại 2 huyện Can Lộc, Đức Thọ. Tại đây, ông Khánh yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân thu hoạch sớm diện tích lúa còn cứu vớt được. Đồng thời, thống kê thiệt hại, tìm ra nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh. |
Sau ý kiến phát biểu của Sở NN-PTNT và một số địa phương, ông Lê Đình Sơn ngắt lời: “Thời tiết năm nào cũng na ná nhau, không phải khác hoàn toàn nên đừng đổ do thời tiết cả”. Ông Sơn yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên hầu hết ý kiến phát biểu của đại biểu đều không đả động gì đến phần trách nhiệm này.
Ông Lê Đình Sơn khẳng định: “Dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng, thậm chí có những chỗ rất nặng”, vì vậy Sở NN-PTNT và các địa phương cần thống kê mức độ thiệt hại đến tận hộ dân, việc đánh giá phải khách quan, chính xác và hoàn thành xong trước ngày 18/5.
Đối với việc làm rõ nguyên nhân, bây giờ các giả thuyết đặt ra mới chỉ là ban đầu, cụ thể như thế nào còn phải chờ kết quả phân tích từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về nòi đạo ôn.
Liên quan đến trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh bức xúc nói: “Các anh làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong. Giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu anh không nắm được thì chỉ đạo ở đâu. Công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài. Dịch bệnh như vậy nhưng không có văn bản nào tham mưu tỉnh, UBND tỉnh cũng không có chỉ đạo nào. Văn bản khuyến cáo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cũng mấy Chi cục phó ký, không đến ông Giám đốc Sở. Đừng vội đổ lỗi nông dân chán ruộng, nếu dân chán tại sao ruộng khác vẫn tốt”.
Cũng theo ông Lê Đình Sơn, UBND tỉnh cần nhanh chóng gửi văn bản đề xuất Bộ NN-PTNT giúp đỡ tỉnh tìm nguyên nhân. Đồng thời, nghiên cứu tổng thể quy hoạch, cơ cấu giống, thời vụ để chỉ đạo sát sao hơn. “Dịch bệnh lần này là bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí giống cho ngành chuyên môn và các địa phương”, ông Sơn nói thêm.
Được biết, đến ngày 14/5, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng lên 10.636ha; trong đó, nhiễm nặng 5.284ha; mất trắng 3.018ha. Các huyện có diện tích thiệt hại nặng là Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã