Thái Bình làm đúng nhưng chưa đủ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại tỉnh Thái Bình và Hà Nam.
Về phía Thái Bình đang làm theo hướng doanh nghiệp thuê ruộng 20 năm, còn quyền sở hữu đất vẫn là dân. Về công ăn việc làm, thì dự án đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tiếp thu các lao động phù hợp với dự án, đồng thời, phát triển công nghiệp dịch vụ ở địa phương để thu hút số lao động dôi dư.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 6/9, PGS.TS Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: "Hôm trước tôi cũng dự họp với bên Thái Bình ở Bộ NN-PTNT, được biết tỉnh này cũng đang làm thí nghiệm, cách làm của họ dự kiến là đúng.
Thế nhưng, được biết họ sẽ không trả cho dân tiền thuê đất 20 năm, mà trả tiền từng năm, vì sợ nếu lấy tiền một lần, người dân sẽ lấy tiền đi cờ bạc, tiêu xài hoang phí.
Tôi không đồng ý với cách làm của Sở NN-PTNT Thái Bình, chuyện xài tiền không đúng mục đích, hoang phí, như thế nào đó là việc của người dân, chúng ta không cần phải lo cho dân chi li như vậy, đất họ cho thuê theo giá thỏa thuận, cứ giao hết cho họ.
Cần tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. |
Giả dụ ở An Giang họ có 100ha đất cho thuê 20 năm, giá thuê 30 triệu đồng/1ha/1 năm, tổng tiền thu được là 600 triệu đồng/20 năm. Số tiền này, họ có thể mua một chiếc máy cày, máy gặt liên hợp, máy cuốn rơm làm dịch vụ thu tiền, hoặc nuôi cá, trồng rau, cây ăn trái, hoặc mua 1ha đất khác gần đó, có nghĩa họ vừa còn quyền sở hữu của mảnh đất sau 20 năm của miếng đất cũ, vẫn có thêm 1ha đất khác thì quá tốt chứ không hề xấu, chứ trả từng năm 30 triệu/năm chả để làm gì".
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế cho biết: "Tích tụ ruộng đất trong giai đoạn này chúng ta đã có kinh nghiệm với thời gian nông dân bị tước quyền sử dụng đất trước đây, họ nhận được cục tiền khá to nhưng cuối cùng họ trở thành người không có việc làm.
Trong hướng tích tụ ruộng đất tới đây, chúng ta cần đảm bảo 2 nguyên tắc, nguyên tắc kiên quyết nhất là làm sao người nông dân không mất đất, làm sao doanh nghiệp có diện tích lớn để sản xuất, sản xuất ra nguyên liệu có chất lượng cao, an toàn, giá thành rẻ nhất.
Thật ra với Thái Bình tuy họ đạt được nguyên tắc thứ hai thỏa mãn việc làm nhưng với nông dân là chưa chắc, vì đưa cho họ đất trong 20 năm nhưng không bảo đảm được việc làm thì tiền mà họ nhận được từ thuê đất không được bao nhiêu, họ không biết làm thế nào làm giàu lên được.
Thành ra địa phương phải làm việc cụ thể hơn, diện tích lớn cần làm gì, sản xuất cái gì, thị trường ở đâu, tất cả những thứ này đảm bảo cho địa phương có được nguyên liệu tốt thì hàng hóa sẽ tiêu thụ dễ dàng".
Cần xóa hỏ hạn điền...
Ở một góc độ khác, theo GS Võ Tòng Xuân, về công ăn việc làm cho nông dân, dù có sản xuất cũng phải mướn người làm, chừng nào cơ giới cứ cơ giới, còn việc thủ công thì chủ cho thuê đất có thể làm.
"Địa phương cần phải thuyết phục người nông dân nên tích tụ ruộng đất, có miếng đất bằng phẳng, đồng nhất, các đường đi lại cần thay đổi, tất cả theo khoa học.
Mỗi người nông dân diện tích bao nhiêu phải đăng ký, địa phương ghi nhận diện tích đó, sau khi thành khoảng ruộng bằng phẳng, có đường tưới nước ngay hàng, thẳng lối, có năng suất cao, sắp xếp theo diện tích mới, họ sẽ canh tác các loại đất, theo đúng quy định.
Để làm được thì mỗi hộ gia đình phải trích ra bao nhiêu % để làm, ví dụ anh nông dân có 4000m2, tính ra khi làm thành diện tích lớn, họ sẽ làm thế nào, người nông dân cũng được chia lại 5% của 4000m2 cho doanh nghiệp vì đầu tư làm các công trình, mất đi 200m2, họ sẽ nhận lại miếng đất 3800m2, nhưng ở từng mặt bằng mà có tỷ lệ khác nhau.
Cách khác, bây giờ chỉ cần tích tụ ruộng đất theo kiểu mới nhà đầu tư doanh nghiệp có miếng đất lớn đồng nhất, còn nông dân được tiền thuê và dùng tiền đó mua miếng đất nhỏ, nó không nhất thiết ở vị trí cũ, có thể nằm vị trí mới được bằng phẳng, có đường đi lại, đường tiêu nước là được.
Cho nên cách làm của Thái Bình cũng có điểm ổn, nhưng vẫn cần quan tâm đến việc làm của người nông dân, tuy giao đất nhưng không mất đất, vẫn còn đất để sản xuất.
Tôi thấy đây là chủ trương hợp thời, để phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp đạt được tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn vệ sinh, giá thành hạ. Chúng ta muốn làm phải đạt được 2 nguyên tắc: Một là, bà con nông dân không bị mất đất, có mất thì chỉ một phần vài % để hùn vốn, theo cấu trúc hạ tầng của vùng đất đang sản xuất, nhưng được cải tiến lại thành khoảnh đất bằng phẳng.
Hai là, đảm bảo diện tích lớn cho nhà doanh nghiệp, để họ tự động điều khiển người nông dân trên mảnh đất đó, sản xuất ra theo đúng quy trình của nhà doanh nghiệp, sản xuất ra nguyên liệu có chất lượng cao nhất với giá thành hạ nhất", ông Xuân phân tích.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã