Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có thể đang bị cản trở bởi công tác quy hoạch, định hướng phát triển còn nhiều yếu kém, việc đổi mới tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa còn nhiều hạn chế. Do đó, phải đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ hàng hóa; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Việc thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp cần có cơ chế ưu đãi đủ hấp dẫn. Ðó là nhận định chung của các chuyên gia khi nói về việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Ðồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất của cả nước. Ðến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm này sẽ là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án đầu tư cho nông nghiệp của khu vực này đến nay còn rất nhiều hạn chế. Tại Hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khẳng định, mặc dù là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, nhưng ở Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, việc huy động nguồn lực từ khối này vào xây dựng nông thôn mới chỉ chiếm 3% tổng số vốn đầu tư từ năm 2010-2013. Do vậy, chính quyền các địa phương cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp theo chuỗi sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Song song với đó, chính quyền cũng quan tâm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, rà soát, bổ sung quy hoạch hợp lý để phát huy lợi thế ở mỗi địa bàn gắn với lợi ích cụ thể mà người nông dân hưởng.
Viện trưởng Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm cho rằng, để đầu tư hiệu quả cho nông nghiệp, Nhà nước cần mở rộng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tín dụng đặc thù cho khu vực nông thôn với những ưu đãi đặc biệt, phát triển rộng khắp, trong đó các ngân hàng cần ưu tiên vốn tín dụng hỗ trợ cho người dân làm nông nghiệp, các chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Theo ông, các chủ trương, chính sách về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải tiếp tục được quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc. Ðồng thời, phải tiếp tục nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Nhẫn, cùng với việc thực thi tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa đối với người trồng rừng, chủ rừng, các doanh nghiệp đầu tư vào nghề rừng. Ðây là một lĩnh vực đặc thù, việc khai thác lâm sản được quản lý chặt chẽ, đầu tư lâu dài, ít giá trị kinh tế nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với môi trường, dân sinh và sự phát triển bền vững, do đó, doanh nghiệp được hưởng cơ chế đặc thù mới thật sự khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực này. Ðây cũng là những khó khăn chung đối với các lĩnh vực khác như thủy sản, phát triển cây công nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm khi các doanh nghiệp muốn đầu tư.
Có chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NÐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ quy định, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư, nếu thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì được thuê với mức giá thấp nhất theo khung giá thuê đất theo quy định. Cùng với chính sách miễn giảm tiền thuê đất, nhà đầu tư còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, các dịch vụ tư vấn, khoa học kỹ thuật, vận tải...
Tuy nhiên, sau gần bốn năm triển khai, Nghị định trên chưa thật sự thể hiện vai trò quan trọng của mình trong thu hút các nguồn lực, tạo đột phá thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ðể "mở cửa" thông thoáng hơn về công tác này, cùng với những chính sách ưu đãi quan trọng cho các nhà đầu tư, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NÐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, từ nay, khi đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi, các nhà đầu tư sẽ được Nhà nước miễn, giảm và hỗ trợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học - ông nghệ; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà-phê; hỗ trợ trồng cây dược liệu; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh nghèo theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, thủy sản... Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư bao gồm, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án và ngân sách địa phương; hằng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành từ 2 đến 5% ngân sách địa phương để thực hiện. Ðối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị định số 210/NÐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định công bố danh mục các loại giống gốc cao sản vật nuôi cụ thể được hỗ trợ theo quy định. Ðồng thời yêu cầu các địa phương rà soát quy hoạch về giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung công nghiệp; phát triển cây công nghiệp chính; cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản; cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí để chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; chợ nông thôn; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định; bố trí nguồn lực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Theo nhandan.org.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã