Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp Nhật: Người khổng lồ tự trói mình

Thứ hai - 05/05/2014 04:13
Sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách bảo hộ số đông những người nông dân canh tác trên quy mô nhỏ, ngành nông nghiệp Nhật Bản đã tự hạn chế việc triển khai các tiến bộ KH&CN và làm suy giảm năng lực cạnh tranh của mình, nhưng những sức ép do xu hướng phát triển xã hội và khả năng gia nhập TPP đang buộc họ phải đối diện với lựa chọn khó khăn: cải cách hoặc suy thoái.
Cánh đồng lúa của Mutsuo Banba nằm ở quận Ishikawa, một khu vực ven biển phía Tây Bắc của Nhật Bản. Là một nông dân làm việc toàn thời gian và từng được chính phủ khen thưởng về tài quản lý sản xuất nông nghiệp, mỗi ngày ông đều đến chăm sóc cánh đồng của mình trong dịp mùa vụ. Nhưng nhiều nông dân Nhật Bản khác là những người làm bán thời gian và không chuyên tâm được như Banba. “Họ ở trong nhà có máy lạnh, trong khi lúa ngoài đồng bị khô nẻ, nứt cả hạt ra ngoài”, Banba phàn nàn. Điều này khiến ông bất bình, khi những người của hiệp hội địa phương đến thu hoạch, thóc lúa của mọi nhà được trộn lẫn và không thể phân biệt ai tốt ai xấu. 

Tầm ảnh hưởng chính trị của những nông dân bán thời gian 

Những người nông dân làm bán thời gian ở Nhật Bản thường không có động lực để toàn tâm cho đồng ruộng vì đa số đã có các công việc khác và chỉ ra đồng khi có thời gian rảnh. Thu nhập hằng năm của họ thường trên mức trung lưu của Nhật Bản và không phụ thuộc nhiều vào doanh thu sản xuất nông nghiệp, vì vậy họ không cần phải đầu tư nhiều cho công việc này, và hầu hết đều thỏa mãn với việc vĩnh viễn canh tác trên quy mô nhỏ. Chính sách bảo hộ của Chính phủ Nhật cho phép nông dân Nhật có thể không làm gì mà vẫn được trợ cấp – năm 2012, trợ cấp của Chính phủ Nhật cho nông dân chiếm tới 56% tổng thu nhập của ngành nông nghiệp quốc gia này, chỉ thấp hơn so với Na Uy và Thụy Sỹ, theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 
Tuy nhiên, do không dành nhiều thời gian cho việc trồng trọt, nông dân làm bán thời gian trên quy mô nhỏ ở Nhật Bản có xu hướng dùng nhiều hóa chất trừ sâu và diệt cỏ hơn nông dân làm toàn thời gian trên diện tích canh tác lớn. Theo một thống kê từ năm 2000, trong số những nông dân canh tác dưới 1 hecta, chỉ có 20% có phương thức canh tác thân thiện với môi trường, trong khi với những nông dân làm tối thiểu 10 hecta thì tỉ lệ này là trên 50%.


Với số lượng chiếm một tỉ lệ áp đảo so với số nông dân làm toàn thời gian – trong tổng số 1,5 triệu nông dân Nhật chỉ có 420 nghìn người làm toàn thời gian – mặc dù không có nhiều cống hiến về năng suất trồng trọt nhưng đội ngũ nông dân bán thời gian ở Nhật Bản có ảnh hưởng chính trị đáng kể, thông qua một mạng lưới hiệp hội toàn quốc mang tên hội Nông nghiệp Nhật Bản (JA). Hiệp hội này có mối quan hệ mật thiết với Đảng Dân chủ Tự do và Bộ Nông nghiệp, với số thành viên lên tới 10 triệu người (tương đương khoảng 8% dân số Nhật), và nhân viên hiệp hội trên toàn quốc lên tới 240 nghìn người – JA thậm chí còn có một ngân hàng riêng, với tổng giá trị tài khoản tiền gửi lên tới 532 tỷ USD, ngang ngửa với một ngân hàng quốc tế lớn trên thế giới là Barclays – có thể coi là tổ chức vận động chính sách hùng mạnh nhất ở Nhật Bản.

JA và Đảng Dân chủ Tự do luôn cực lực phản đối việc Nhật Bản đàm phán để tham gia vào hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ Nông nghiệp cũng đồng tình với họ với nhận định rằng TPP sẽ khiến Nhật Bản mất đi 9 phần 10 thị phần và sản lượng gạo, kéo theo mất đi 3,4 triệu công ăn việc làm. Với sự hậu thuẫn này, hiện nay, hội JA đang có chiến dịch vận động duy trì mức thuế rất cao đánh vào hàng nông nghiệp nhập khẩu: thuế gạo nhập khẩu lên tới 777,7%, thuế bơ nhập khẩu là 360%, thuế đường nhập khẩu là 328%. 
 

Nghịch lý Nhật Bản: có năng lực công nghệ nhưng tự trói tay mình

Thay vì phải cố thủ dựa vào hàng rào thuế quan cao vượt bậc, người Nhật hoàn toàn có đủ năng lực để có thể triển khai công nghệ cao vào nông nghiệp, làm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh nông sản. Ví dụ nông dân Nhật có thể áp dụng kỹ thuật quản lý canh tác bằng cách chia ô ruộng, dùng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) để đo chính xác diện tích từng ô, rồi dùng công nghệ cảm biến để liên tục theo dõi, đánh giá chất lượng đất, đồng thời phân tích hàm lượng nitơ dựa trên cảm biến màu sắc của lá cây trồng, từ đó tính đoán ra lượng phân bón phù hợp cho từng ô ruộng, hoặc các thiết bị tự động có thể giúp theo dõi thời tiết, cho dữ liệu giúp dự đoán đợt bùng phát sâu bệnh để nông dân phun thuốc trừ sâu một cách hiệu quả và tiết kiệm. 


Mặc dù được trợ cấp nhiều nhưng đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng GDP của Nhật Bản ngày càng thấp.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn luôn bảo thủ với chính sách kiểm soát sản lượng để bảo vệ những người nông dân làm nông nghiệp ở quy mô nhỏ, khiến việc áp dụng công nghệ cao trở nên vô cùng đắt đỏ và không khả thi. Thậm chí một số loại công nghệ phố biến ở nước khác nhưng ở Nhật Bản lại bị hạn chế triệt để – ngay từ những năm 1970, việc nghiên cứu triển khai những giống lúa năng suất cao vẫn luôn là điều cấm kỵ đối với các nhà khoa học ở tầm trung ương cũng như địa phương. Hậu quả là hiện nay sản lượng gạo trên cùng một đơn vị diện tích ở Nhật Bản dưới mức 40% sản lượng gạo ở California, theo đó chi phí sản xuất cũng cao hơn trên 28%. 

Nguy cơ suy thoái ngành nông nghiệp do chính sách bảo thủ

Do chính sách tự trói buộc mình nên nếu phải cạnh tranh với hình thức canh tác trên quy mô lớn kiểu Mỹ - ví dụ gieo hạt bằng máy bay – thì chắc chắn mô hình canh tác quy mô nhỏ của Nhật Bản sẽ sụp đổ, theo nhận định của ông Kozo Watanabe, một người đại diện của JA. Đây là lí do khiến vấn đề thuế nhập khẩu gạo là đề tài gây tranh cãi nhất ở Nhật Bản khi bàn về TPP, và JA không ngừng vận động để Chính phủ Nhật duy trì mức thuế nhập khẩu cao để ngăn chặn gạo nhập khẩu từ Mỹ và các nước khác, cho phép nông dân Nhật tiếp tục trồng lúa với quy mô nhỏ.

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy nếu Chính phủ Nhật bãi bỏ chính sách hạn chế sản lượng gạo, giá gạo của Nhật sẽ giảm từ 13.000 Yen/60kg xuống còn 8000 Yen/60kg, tức là còn thấp hơn giá gạo sản xuất của Trung Quốc. Khi đó Nhật Bản sẽ không còn phải dựa vào thuế nhập khẩu để bảo vệ sức cạnh tranh của gạo nội địa, và thậm chí gạo Nhật Bản có thể còn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những năm gần đây, gạo Nhật Bản đã được xuất khẩu sang Đài Loan và Hồng Kông. Gạo Nhật được nhiều nước ưa chuộng do ưu thế về chất lượng. Vì vậy, nếu chính sách hạn chế sản lượng được bãi bỏ khiến chi phí và giá thành sản xuất giảm xuống, người Nhật tin rằng ngành lúa gạo sẽ trở thành một ngành xuất khẩu có ưu thế của mình.

Những người vận động cho chính sách bảo hộ nông nghiệp như Watanabe thường lập luận rằng lúa gạo là “sản phẩm linh thiêng” của người Nhật, và hoạt động canh tác lúa gạo mang tính cộng đồng và trên quy mô nhỏ được coi là hệ quả tự nhiên của lịch sử đất nước (với đặc thù địa lý quốc gia nhiều đồi núi), đến nay đã trở thành một bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Thực tế thì số lượng hộ nông dân nhỏ ở Nhật tăng mạnh sau năm 1945, khi một cuộc cải cách ruộng đất quan trọng ở Nhật Bản đã phân phối lại đất nông nghiệp từ tay các lãnh chúa lớn vào tay nông dân. Tới giai đoạn sau này, người ta từng hi vọng các hộ nông dân nhỏ sẽ chuyển đổi cơ cấu ngành nghề sang các ngành công nghiệp khác, đồng thời sẽ bán đất hoặc cho các hộ nông dân khác thuê để làm nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn hơn, theo lời Masatoshi Wakabayashi, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thời Chính phủ của Thủ tướng Abe nhiệm kỳ năm 2007. Tuy nhiên, trong thực tế giá đất đai ở Nhật Bản tăng vọt khiến nông dân có xu hướng giữ lại đất với hi vọng sau này có thể bán lại cho các dự án khu công nghiệp, đô thị, v.v. Luật đất đai nghiêm ngặt ở Nhật Bản cũng khiến việc mua bán đất diễn ra không dễ dàng. 

Hậu quả là ngày nay khi các vùng nông nghiệp ngày càng thưa dân cư, có tới một phần mười đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Thế hệ trẻ đa số không muốn theo nghề nông khiến tuổi thọ trung bình của nông dân ngày càng cao: thống kê năm 2010 cho thấy tuổi thọ trung bình của nông dân là 70. Trước tình hình này, một quan chức Bộ Nông nghiệp Nhật Bản thừa nhận rằng nông nghiệp Nhật Bản đang phải đối diện với một lựa chọn không tránh khỏi: cải cách hoặc suy thoái.

Trong một báo cáo hồi tháng 5 năm ngoái, hai nhà kinh tế Randall Jones và Shingo Kimura của tổ chức OECD cũng đã viết: “Nếu không tiến hành cải cách một cách căn bản, nông nghiệp [Nhật Bản] sẽ tiếp tục suy thoái, mắc kẹt trong cái bẫy năng suất thấp, thu nhập thấp, và phụ thuộc vào chính sách trợ cấp và bảo hộ thương mại của Chính phủ”.

Gia nhập TPP: chất xúc tác để cải cách

Gia nhập TPP và giảm thuế là giải pháp duy nhất cho nông nghiệp Nhật Bản, Banba nói. “Những người nông dân giỏi của Nhật Bản không e sợ TPP”, ông khẳng định. Việc gia tăng cạnh tranh sẽ buộc những hộ nông dân nhỏ không chuyên tâm làm nông nghiệp bán lại đất, và những người làm nông nghiệp toàn thời gian như ông có thể gom được nhiều đất trồng trọt hơn. Hi vọng này của Banba không phải là vô căn cứ, một nông dân láng giềng của ông, nay đã 74 tuổi, cho biết sẽ để Banba thuê lại đất của mình ngay khi Nhật Bản ký vào hiệp định TPP, theo đó cho phép nhập khẩu gạo giá rẻ của Mỹ. 

Thủ tướng Shinzo Abe trả lời họp báo về TPP ở Tokyo, Nhật Bản hôm 15/3/2013

Nếu Nhật Bản gia nhập TPP, nhiều khả năng họ sẽ nỗ lực tìm cách đề nghị được trì hoãn vài năm trước khi xóa bỏ chính sách bảo hộ nông dân, đặc biệt đối với những sản phẩm được coi trọng như lúa gạo. Tuy nhiên, từ trước đó Nhật Bản đã phải triển khai những chính sách cải cách nông nghiệp quyết liệt, theo nhận định của Masayoshi Honma, giáo sư kinh tế Đại học Tokyo. Trước hết, Nhật Bản cần ban hành các chính sách giúp tập trung đất đai vào tay những người nông dân có năng lực. Những người mới bước chân vào nghề nông, bao gồm cả các doanh nghiệp, phải được quyền mua đất, thay vì chỉ được thuê lại. 

Việc đàm phán tham gia TPP và tiến hành cải cách nông nghiệp sẽ phải được Chính phủ của Thủ tướng Abe triển khai đồng thời, vì nếu tham gia TPP và cho phép hàng nông sản nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường trong khi người nông dân chưa kịp nâng cao năng lực cạnh tranh thì đó sẽ là thảm họa cho ngành nông nghiệp Nhật. 

Trong khi đó, ở phía ngược lại, những nhà vận động cho chính sách bảo hộ nông nghiệp như hội JA sẽ tiếp tục tìm mọi cách để ngăn cản Nhật Bản cải cách nông nghiệp cũng như gia nhập TPP. Quyền lực và lợi ích của JA phụ thuộc vào số lượng thành viên của nó, vì vậy JA chắc chắn không muốn thay đổi hiện trạng cơ cấu đất nông nghiệp của Nhật Bản. Tuy nhiên, dù làm cách nào thì JA vẫn không thể thay đổi được thực tế là các thành viên của mình đang ngày càng già đi, và ảnh hưởng chính trị của nó cũng theo đó giảm dần. 

Theo tiasang.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập567
  • Hôm nay86,091
  • Tháng hiện tại791,204
  • Tổng lượt truy cập90,854,597
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây