Theo Bộ chỉ số giám sát đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến cuối năm 2014, Việt Nam đã có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 28% so với năm 1999 khi bắt đầu thực hiện chương trình; 63% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 37,5%. Ước tính đến hết năm 2015, số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 85%, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam; khoảng 65% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, thuộc Bộ NNPTNN, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn được thực hiện theo phương châm phát huy nội lực, dựa vào nhu cầu, người sử dụng quyết định mô hình phù hợp với khả năng tài chính và tự tổ chức thực hiện. Nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ về nguồn lực và cách tiếp cận, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nước sạch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.
Sau khi kết thúc giai đoạn ba (2012-2015), Chương trình Mục tiêu quốc gia sẽ không còn là chương trình độc lập, trong khi nhiều mục tiêu của Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 vẫn chưa đạt được. Mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng thực tế ở một số địa phương, các công trình đầu tư chưa được đồng bộ dẫn đến công trình chậm phát huy hiệu quả.
Với mục đích trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, bài học giữa các nước trong khu vực về việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn, các đại biểu cho rằng, ưu điểm của khu vực tư nhân là nguồn lực lớn, hiệu suất khai thác cao, tài chính bền vững, năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cần tạo môi trường, thể chế thuận lợi đưa vệ sinh môi trường nông thôn thành tiêu chí phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, kèm theo đó có chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời phải lựa chọn mô hình với mỗi địa phương.
Theo ông Nguyễn Bá Phùng Hưng, Phó Khoa sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình, việc duy trì và nhân rộng những sáng kiến cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường triển khai thời gian qua tại các địa phương là rất quan trọng.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Phương Nhung, chuyên viên nước sạch, vệ sinh môi trường, Ban Gia đình xã hội, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho rằng, để thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường, sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia kết thúc sẽ kết thúc, có thể huy động mạng lưới đoàn thể, xã hội ở địa phương. Điều này sẽ tiết kiệm được nguồn lực đầu tư, đồng thời phát huy vai trò cộng đồng trong việc đạt các tiêu chí về vệ sinh môi trường.
Về phía Hội Liên hiệp phụ nữ, hiện nay tại 13 nghìn xã, phường và 110 thôn ấp đều có cán bộ hội, tiết kiệm nguồn lực là có thể sử dụng đội ngũ nhân lực này thông qua đào tạo kỹ năng, bổ sung kiến thức để thúc đẩy người dân tham gia, tăng tỷ lệ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình.
Theo Nhandan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã