Cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột không xa, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức để được mục sở thị “cây bơ vàng”. Đây là cây bơ cổ thụ, tán rộng bao trùm, thân chừng hai người ôm mới hết.
Theo lời ông Đức, “cây bơ vàng” này cho thu hoạch đều từ 20 năm trở lại đây, số lượng quả bán ra cũng như số tiền thu về từ bán bơ vào dịp Tết Nguyên đán đều đặn 50-60 triệu đồng. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán năm nay, do giá bơ tăng cao nên gia đình ông Đức dự kiến thu về 80 - 90 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm ông Đức còn có thu hơn 100 triệu đồng từ bán quả của các cây bơ con. Với tổng số gần 50 cây bơ cho qua rải rác trong năm, hàng năm gia đình ông Đức thu về số tiền lớn.
Khi được hỏi về nguồn gốc của giống cây bơ trái vụ này, ông Đức kể: Chủ trước của khu vườn này trong một lần tới Nông trường Việt Đức (thời Pháp thuộc) được ăn một trái, thấy bơ thơm ngon, cơm vàng, hạt lép nên lấy giống về trồng… Sau khi ông Đức mua mảnh vườn này thì đến năm 1992, cây bơ cho quả bói. Theo thời gian, cây ngày một to ra, số lượng quả tăng lên.
Điều khác biệt là, tuy cây bơ mẹ đã trên 30 năm nhưng hàng năm luôn cho sản lượng trái “khủng”. Trước đây, vì không ghi chép nên ông Đức không biết chính xác lượng quả hàng năm là bao nhiêu. Từ năm 2010 trở lại đây, ông lập thành cuốn sổ và ghi chép đầy đủ số lượng quả bán ra cũng như số tiền thu về từ bán bơ. Theo đó, số lượng bơ thu đều hàng năm khoảng 9 tạ - 1,2 tấn.
Khi hỏi về thương hiệu giống bơ này, ông Đức chia sẻ: “Hiện tại tôi đã đặt tên cho giống bơ của mình là Bơ giống Đức Huấn và đang làm hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống bơ này. Hiện trên internet có xuất hiện một số đối tượng lấy thương hiệu bơ của tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ chịu trách nhiệm nếu mua chính chủ tại nhà”.
Bá Thăng