Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, các thách thức đã bộc lộ.
Các thủ tục đầu tư, kinh doanh hiện đang được quy định rải rác tại một số luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Quy trình đầu tư, kinh doanh hiện đang gây khó khăn, trở ngại cho cả cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, làm cản trở sự phát triển và việc thực thi các luật này.
Chủ trương đầu tư mỗi nơi một kiểu
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, hiện nay, quyết định chủ trương đầu tư đang không thống nhất giữa các địa phương. Xảy ra tình trạng trên là do sự chồng chéo giữa các luật.
Tiêu chí phân chia dự án đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo, khiến các cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào là đúng.
Trong khi đó, thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng là không tương thích của cả 3 luật gồm Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, cũng như không thống nhất thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư, trước hay sau khi nhà đầu tư nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với việc giao đất, cho thuê đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai đã có sự xung đột trong quy định về việc chấm dứt dự án và thu hồi đất. Luật Đầu tư quy định chấm dứt dự án sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện. Luật Đất đai cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án…
Sự chồng chéo này gây lãng phí, kéo dài thời gian và rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục; lãng phí nguồn lực Nhà nước trong việc quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính.
Liên thông các thủ tục đầu tư
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị: Cần thực hiện liên thông về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất qua giao đất, cho thuê đất: Lồng ghép các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm và cung cấp thông tin quy hoạch thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; quy định thời gian, điều kiện chấp thuận cụ thể. Quy định rõ việc trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kiến nghị nghiên cứu thay giấy chứng nhận đầu tư bằng hình thức thoả thuận đầu tư ký giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước. Trong đó, nhà đầu tư cam kết về vốn, tiến độ, ngành nghề, môi trường, quy hoạch…
Để tránh sự chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, các đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 170 Luật Nhà ở theo hướng bãi bỏ thủ tục chấp thuận dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo Luật Nhà ở, thống nhất áp dụng việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Đối với thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, Luật Nhà ở và văn bản hướng dẫn luật chưa quy định về trình tự, thủ tục thực hiện. Do vậy, thống nhất áp dụng việc điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư.
Sửa đổi Điều 46 Luật Xây dựng theo hướng thống nhất với quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư. Gộp thủ tục cấp giấy phép quy hoạch với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sẽ xem xét và cấp giấy phép quy hoạch đồng thời với quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư. Do đó, quyết định cho phép quy hoạch sẽ là một nội dung của quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, sửa đổi Điều 33 Luật Đầu tư theo hướng thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất và thủ tục điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng thực hiện đồng thời tại thời điểm giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ cho ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng, chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4, Điều 33 Luật Đầu tư.
Các đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận đất đai bằng một trong hai hình thức: Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư; hoặc mở rộng diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Lê Anh
Nguồn: baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã