Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức đoàn cán bộ khảo sát và học tập về hệ thống khuyến nông tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nhằm tìm hiểu một số mô hình trồng trọt, lâm nghiệp, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách tiếp cận khuyến nông, mối liên kết giữa cơ quan khuyến nông và các cơ quan nghiên cứu và đào tạo của nước bạn.
Làm việc với Sở Lâm nghiệp tỉnh Hồ Nam, Học viện Tài nguyên, Môi trường và Sinh vật Hồ Nam, cơ quan khuyến nông cấp huyện tại tỉnh Hồ Nam, được biết hệ thống khuyến nông Trung Quốc gồm bốn cấp (trung ương, tỉnh, huyện và xã). Trong đó, khuyến nông cấp cơ sở do chính quyền địa phương điều hành và cung cấp dịch vụ trực tiếp cho nông dân địa phương.
Theo đó, tổ chức khuyến nông cấp cơ sở thực hiện 4 nhiệm vụ: Phục vụ quản lý nhà nước về kiểm dịch động vật, thực vật, chăn nuôi và thủy sản, giám sát và kiểm tra các hoạt động sau thu hoạch; Cung cấp dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, dự báo và phòng ngừa dịch bệnh, hỗ trợ nông dân thử nghiệm, mở rộng công nghệ mới, xây dựng và thực hiện kế hoạch khuyến nông địa phương; Cung cấp các dịch vụ trung gian như kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp và phương tiện sản xuất, cung cấp thông tin sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Khuyến nông được phép kinh doanh các dịch vụ vật tư nông nghiệp, lưu trữ, vận chuyển và bán các sản phẩm nông nghiệp...
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang thực hiện việc cải cách hệ thống hành chính khuyến nông với mục đích giảm nhân sự dư thừa và thiết lập hệ thống khuyến nông cơ sở, khuyến khích các đơn vị khuyến nông cấp huyện thành đơn vị tự chủ. Nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông được Chính phủ Trung Quốc cung cấp hoàn toàn ở cấp trung ương và tương đối ổn định hằng năm; ở cấp tỉnh, huyện và xã số kinh phí được hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào số lượng chương trình và nguồn lực tài chính của các địa phương. Cơ cấu kinh phí hoạt động khuyến nông gồm 10% từ trung ương, 90% của địa phương và các nguồn thu từ dịch vụ.
Trung Quốc cũng ban hành nhiều chính sách hoạt động khuyến nông như: Tăng cường nâng cao năng lực cho nông dân thông qua tập huấn, nhân rộng mô hình, thống nhất cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, tạo đột phá nghiên cứu và chuyển giao, ưu tiên xây dựng mô hình khuyến nông công nghệ cao, xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp, khuyến nông và cơ quan nghiên cứu.
Đoàn công tác cũng được giới thiệu và tham quan một số mô hình điển hình ở tỉnh Hồ Nam đang tập trung chuyển giao cho nông dân như mô hình sản xuất lúa lai, lúa tái sinh, lúa - ếch, mô hình sản xuất dưới tán rừng (lâm nghiệp dưỡng sinh), mô hình rừng giống đầu dòng cây sở cành mềm - chiết xuất tinh dầu sở; phụ phẩm nano trong sản xuất chế phẩm sinh học đông dược phục vụ chăn nuôi sinh thái...
Trong số đó, sản xuất lúa tái sinh tại Hồ Nam là mô hình đạt hiệu quả cao nhất ở Trung Quốc, đạt 2.000 - 5.000 NDT (18 triệu đồng)/mẫu (667m2)/vụ. Mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất kết hợp lúa + cá, lúa + ếch, lúa + rùa (tùy thuộc vào quy mô và đặc thù từng vùng). Có thể áp dụng cho tất cả vùng ngập nước, sử dụng các giống để nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích.
Mô hình lâm nghiệp dưỡng sinh được tỉnh Hồ Nam triển khai làm điểm. Từ năm 2012, thành lập Trung tâm Dinh dưỡng rừng với nhiều hoạt động dưỡng bệnh, điều trị dưỡng sinh, nghỉ dưỡng... nhằm phát triển kinh tế rừng kết hợp du lịch sinh thái để nâng cao sức khỏe cho người dân.
Từ những kinh nghiệm của khuyến nông Trung Quốc, cho thấy khuyến nông Việt Nam cần phát triển theo hướng đa dạng hoạt động phù hợp với điều kiện từng địa phương, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; Phân cấp hoạt động khuyến nông đến từng cấp cơ sở; Xây dựng quĩ để duy trì hoạt động khuyến nông nhằm giảm nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước; Có chính sách khuyến nông phù hợp cho nhóm người nghèo, coi đây là chính sách xã hội giúp nông dân nghèo ổn định cuộc sống, đồng thời nhà nước là đầu mối tạo liên kết cho nông dân vùng sản xuất hàng hóa tiếp cận với khuyến nông, doanh nghiệp và các hợp tác xã để hạn chế tối đa ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay, hoạt động khuyến nông Việt Nam cần tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với hệ thống khuyến nông các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có điều kiện tự nhiên, xã hội, nhất là điều kiện sản xuất nông nghiệp tương đồng để có thể tham khảo và ứng dụng nhằm đạt hiệu quả tối đa... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã