Đời phu trầm không chỉ là tiền đề để có được tài sản triệu đô ngày hôm nay, mà còn hình thành trong ông bản tính chịu khó, cần cù vượt qua mọi trở ngại khó khăn trong cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Những ngày phu trầm đầy nguy hiểm
Trước lúc làm phu trầm, chàng thanh niên Trần Lộc (SN 1966) là một quân nhân phục vụ tại chiến trường Lào. Năm 1987, anh xuất ngũ trở về quê Thừa Thiên - Huế lập gia đình và sống với những mảnh ruộng lúa mà mất mùa nhiều hơn được mùa.
Và rồi những chuyến băng rừng theo trai làng đi tìm trầm cứ triền miên, hầu hết những cánh rừng Quảng Nam đều ghi dấu chân Trần Lộc. Những cám dỗ từ trầm cũng mang lại hiểm nguy khôn lường, đói khổ chỉ là chuyện thường, có những trai làng ra đi mãi mãi không về.
“Nhiều lúc hành trang trên vai cạn kiệt, tiền trong túi không còn, tôi và những phu trầm khác phải lần mò giữa rừng sâu, múc nước suối uống, hái rau rừng ăn. Đi có khi hàng tháng trời trong thiếu thốn và đói khát như thế, nhưng lắm lúc trở về vẫn tay trắng. Chuyến phu trầm đầu tiên trở về với thân xác bơ phờ, mệt mỏi, vợ con nhìn xót thương bảo: Đừng đi nữa... Nhưng nghề trầm lạ lắm, đã mang vào thân thì khó dứt ra được” - ông nói về những ám ảnh của nghề.
Nông dân Trần Lộc giữa bát ngát vườn tiêu, nơi cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng /năm. ảnh: Hồ Văn
Quần nát những cánh rừng đại ngàn của Quảng Nam, mà thu nhập mang lại cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Tích lũy không được là bao nên năm 1994, Trần Lộc quyết định một chuyến đi xa, tới những cánh rừng cung đường 7 của Nghệ An, nơi được cho là nhiều trầm, cũng là nơi mà nhiều phu trầm mãi mãi bỏ xác lại.
7 tháng mùa trầm đó, đế giày của ông mòn theo những cánh rừng Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và qua cả đất Lào. Muỗi rừng, vắt rừng, rắn độc và cả những trận sốt rét thừa chết thiếu sống luôn đồng hành cùng những phu trầm.
Trần Lộc kể: “Những chuyến đi ở rừng Nghệ An thường phải có người địa phương dẫn đường và mang theo súng. Sợ nhất là gặp mẽo (hay còn gọi là phỉ), chưa thấy bóng người họ đã bắn. Có những lần nghe tiếng súng vọng lại từ xa, vài hôm sau biết tin nhiều bạn trầm mất tích. Có những chuyến gặp phỉ chạy tán loạn, lạc cả tuần mới tìm thấy nhau. Đó là chưa kể, những đoàn phu trầm giết nhau, cướp bóc của nhau… vì cám dỗ từ trầm”.
Nếm trải gian nan, mạng sống nguy hiểm từng ngày theo những chuyến săn trầm nên Trần Lộc quyết định giã từ nghề phu trầm, tìm kế sinh nhai khác. Cơ hội đến trong một lần có người cậu ruột từ Xuyên Mộc về thăm quê khuyên Trần Lộc vào cùng ông lập nghiệp. “Nghe cậu tôi bảo ở đó có nhiều đất, dễ làm ăn nếu cần cù chịu khó nên tôi quyết định đưa gia đình theo cậu vào Nam”- ông Lộc quyết định.
Tích tiểu thành đại
Năm 1995, Trần Lộc và vợ con đặt chân vào xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lập nghiệp.
Với hơn hai cây vàng có được từ nghề phu trầm, Trần Lộc quyết định mua 8 sào đất để trồng cà phê. Trồng được ba mùa, ông quyết định phá bỏ cà phê trồng tiêu vì như ông cho biết “thị trường tiêu được giá và ổn định hơn cà phê”. “Hồi đó, vừa làm vườn nhà, tôi vừa tranh thủ đi làm mướn khi có người thuê. Tiền bán tiêu từng mùa, cộng với tiền thu nhập làm mướn, tôi mua thêm đất mở rộng vườn nhà. “Cứ tích tiểu thành đại, đến năm 2007, tôi đã có 15ha đất. Ngoài trồng tiêu, tôi còn trồng thêm điều, khoai mì, cao su, tràm…”- ông Lộc cho biết.
Để giảm chi phí, tăng thu nhập, nông dân Trần Lộc tự mua ống cao su, van phun nước… mày mò chế tạo hệ thống béc phun tự động để tưới cây. Ông cũng tự mua các chế phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để chế phân hữu cơ vi sinh bón cho các vườn cây. Từ một nông dân chưa qua học hành, tự mày mò để trở thành một kỹ sư “chân đất” nên chỉ một mình ông cùng vợ và 3 con có thể chăm sóc cả 15ha vườn cây của nhà. Nhờ đó, chi phí giảm, thu nhập tăng mà chất lượng nông sản của ông cũng được các thương lái yên tâm thu mua với giá cao.
Cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi các kỹ thuật trong nông nghiệp nên mùa nào ông cũng bội thu từ các vườn tiêu, vườn điều, cao su và khoai mì. Nhẩm tính với chúng tôi, nông dân Trần Lộc cho biết: “Với 6ha tiêu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; 6ha điều cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; vườn cao su 60 triệu đồng/năm… đó là chưa kể vườn tràm đang tuổi lớn chưa thu hoạch”.
Ngoài thu nhập khủng đó, ông Lộc tiết lộ, theo giá thị trường hiện nay, 15ha đất “nếu bán” sẽ có giá khoảng 20 tỷ đồng chưa kể tài sản trên đất. Trò chuyện với ông, chúng tôi chia sẻ: “Với tài sản và thu nhập đó, bây giờ ông đã là đại gia nông dân, nông dân triệu đô rồi". Ông cười cho biết: “Với nông dân chúng tôi, đất đai là tài sản quý giá như máu, cho dù giàu thế nào cũng không thể bán. Tâm nguyện của tôi là vẫn tiếp tục làm nông, làm giàu bằng chính sức lao động của mình, đó cũng là cách để các con tôi nhìn vào noi theo”.
Niềm tự hào từ những người con
Cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu, nông dân Trần Lộc đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý như: Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2005-2009; Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010, 2011-2015 và nay là danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2017… |
Trở thành “nông dân triệu đô”, nhưng ông Lộc không bao giờ quên những người nông dân nghèo quanh mình. Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, ông Lộc đã hào phóng giúp đỡ ba hộ dân trong xã vay 80 triệu đồng không lãi để làm vốn sản xuất. Thuê lao động làm công với lương 10 triệu đồng/tháng, mỗi mùa thu hoạch ông tạo việc làm cho 60 lao động nhàn rỗi với 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, ông thường xuyên đóng góp cho Quỹ khuyến học địa phương, ủng hộ Quỹ vì người nghèo mỗi năm không dưới 30 triệu đồng.
Từ những đóng góp cho cộng đồng, ông được tín nhiệm làm giám đốc HTX Lộc Sinh - nơi quy tụ 25 xã viên nông dân để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau trong công việc. Ông cho biết, HTX sẽ tiến tới việc tìm đầu ra và làm thương hiệu cho chính nông sản của mình.
Nhưng như ông tâm sự, tài sản giàu có bây giờ chưa hẳn là cái ông vui, mà tự hào nhất là các con đang trên đường thành đạt. “Con trai đầu của tôi không may bị di chứng của bệnh động kinh, không theo học thành tài. Hai đứa em của nó thì đứa em gái đang là sinh viên Đại học Y TP.HCM, em trai đang theo học Đại học Y tại Cần Thơ. Các con là tài sản quý giá của vợ chồng tôi, tài sản triệu đô cũng không sánh bằng” - ông Lộc vui sướng khi nói về các con. /.
Tác giả bài viết: Hồ Văn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã