Tại hội thảo “Hợp tác ứng dụng CNTT trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị xuất khẩu dịch vụ CNTT (VNITO Conference) 2017, các chuyên gia công nghệ Việt Nam và Mỹ đã đánh giá khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Liên minh các doanh nghiệp gia công CNTT (VNITO Alliance) sẽ thông qua hợp tác với Diễn đàn Silicon Valley (Hoa Kỳ) để xúc tiến hoạt động kết nối giao thương, tiếp nhận giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp… từ Mỹ.
Nói về triển khai ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp khá rộng, một số mảng vẫn chưa thể triển khai ứng dụng CNTT. Hiện tại, ở Việt Nam chủ yếu ứng dụng CNTT trong nông nghiệp để gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, truy xuất nguồn gốc…
Ông Thiện chia sẻ thêm: "Ví dụ như ở hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính cho nông dân, thẻ thanh toán thông minh, ngân hàng di động… vẫn chưa có ứng dụng CNTT".
Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) cùng với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã có hoạt động hợp tác về triển khai ứng dụng CNTT. Vừa qua, đã có một số sản phẩm được đưa ra thử nghiệm, có kết quả tốt như trồng nông sản trong nhà màng với ứng dụng IoT (Internet of Things), tạo dựng hệ sinh thái cho nhà nông…
Ở góc độ cung cấp giải pháp, QTSC đang chung sức cùng với các doanh nghiệp CNTT (có văn phòng tại QTSC) nghiên cứu, phát triển các giải pháp hữu ích cho ngành nông nghiệp. Một số giải pháp nông nghiệp thông minh đã được thử nghiệm thực tế tại khu nông nghiệp công nghệ cao; sau đó mở rộng triển khai ở các trang trại, nhà vườn…
Tại hội thảo, các chuyên gia CNTT, nông nghiệp trong nước và Mỹ cho rằng các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Thị trường Việt Nam chủ yếu đang sử dụng các ứng dụng công nghệ đến từ Israel, Hà Lan, Nhật Bản… Do đó, sắp tới cần mở rộng quan hệ hợp tác, kết nối giao thương, nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ cho ngành nông nghiệp.
Theo các chuyên gia công nghệ, mặc dù Mỹ chỉ có khoảng 1% dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng họ vẫn đủ khả năng cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, thậm chí còn có thể xuất khẩu nông sản. Việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Mỹ cũng như thay đổi quy trình canh tác, phương thức quản lý… đã giúp nâng cao được năng lực quản lý trong ngành nông nghiệp.
Ví dụ như các nông dân tại Mỹ đã biết sử dụng máy bay không người lái (Drone) kết hợp cùng với loại camera siêu quang phổ (High Spectral Camera) để tiến hành chẩn đoán tình trạng của đất và cây trồng, từ đó đưa ra quyết định sản xuất phù hợp. Việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu… qua các ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho người làm nông chọn những vùng đất thích hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi.
Theo Saigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã