Tuy nhiên, liệu Việt Nam có đủ khả năng để thực thi mọi đề nghị theo khuyến cáo của EC về chống khai thác IUU hay không đang là câu hỏi lớn.
Nhiều quan điểm cho rằng, “bê nguyên” các quy định về IUU của EC để áp dụng cho đặc thù nghề cá Việt Nam hiện nay là điều bất khả thi! (Ảnh: Quỳnh Trang) |
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP, GĐ Cty TNHH Hải Nam cho biết: Kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với hải sản đánh bắt của Việt Nam từ tháng 5/2017 đến nay, bản thân Cty của bà Sắc mới chỉ XK vỏn vẹn 3 lô hàng đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khai thác theo yêu cầu của EC. Cũng như nhiều DN chế biến và XK thủy sản khác sang EU, Cty bà hiện còn tồn đọng một lượng hàng hải sản với nhiều chủng loại khác nhau trong kho nhưng chưa có phương án xử lí ra sao để đáp ứng được các yêu cầu của nhà chức trách EC về các hồ sơ liên quan tới xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác.
Theo bà Sắc, kể từ khi EC rút “thẻ vàng”, các lô hàng hải sản Việt Nam XK sang EU sẽ phải có hồ sơ xác nhận, chứng nhận về nguồn gốc, chủng loại, số lượng với từng lô hải sản của từng tàu cá. Công việc này thời gian qua đang được ngành thủy sản thí điểm giao cho BQL các cảng cá và chi cục thủy sản các tỉnh làm đầu mối thực hiện. Tuy nhiên có một thực tế, đó là việc triển khai xác nhận, chứng nhận đối với từng lô hải sản của từng tàu cá đánh bắt được đang rối như tơ vò. Bởi muốn chứng nhận – xác nhận được lô hải sản khai thác, tàu cá phải trình được nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình của các thiết bị giám sát tàu (do chi cục thủy sản cung cấp); có báo cáo chi tiết về số lượng từng loại hải sản... với BQL cảng cũng như chủ vựa hoặc DN thu mua khi về cảng...
Đây vừa là công việc hết sức mới mẻ đối với ngư dân, đồng thời trách nhiệm và sự ràng buộc đối với chủ tàu, thuyền trưởng, chủ vựa và cả các DN thu mua hải sản ra sao trong công việc này lại chưa rõ ràng. Bởi việc tiêu thụ hải sản hiện nay của ngư dân đâu phải chỉ phục vụ cho mỗi DN thu mua chế biến để XK đi EU, mà còn rất nhiều đối tác khác, cả trong nước lẫn XK. Vì vậy, đã có tình trạng ngư dân, chủ vựa thu mua không muốn bị ràng buộc vào mớ bòng bong quá phức tạp để giải quyết các thủ tục giấy tờ trong quá trình xác nhận – chứng nhận hải sản.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban hải sản của Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng: Hiện nay, với đặc thù của một nghề cá nhân dân, ngư dân Việt Nam mỗi chuyến ra khơi đại đa số là đánh bắt đồng thời rất nhiều loại hải sản khác nhau, mỗi chuyến biển về có khi mỗi tàu có hàng chục loại, tôm cua có, cá có, ốc có, mực tuộc có..., mỗi thứ có khi chỉ vài chục kg. Bên cạnh đó, còn có hàng chục nghìn tàu cá nhỏ đánh bắt ven bờ. Vì vậy, chưa cần nói tới khâu ghi nhật ký đánh bắt hay dữ liệu giám sát hành trình, để yêu cầu các tàu cá khi về cảng phải thống kê, khai báo chi tiết từng loại hải sản là việc... khó như lên trời! Đặc biệt tại mỗi cảng cá hiện nay, số lượng tàu cá cũng như lượng tàu cá ra vào bến gần như liên tục, trong bối cảnh số lượng cán bộ của các BQL cảng cá và chi cục thủy sản rất mỏng, lại đang phải “tinh giản biên chế” như hiện nay, yêu cầu để chứng nhận – xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là điều bất khả thi.
Ảnh: Quỳnh Trang |
“Đặc thù nghề cá của Việt Nam hiện nay khác với các nước có nghề cá tiên tiến hiện đại như EU hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở họ, mỗi tàu chỉ khai thác, đánh bắt một loại hải sản duy nhất. Ví dụ các tàu cá ngừ đại dương tiên tiến hiện nay họ chỉ đánh duy nhất cá ngừ, có hồ sơ quản lí khai thác tới từng con cá. Điều này thì không thể nào thực hiện được ở Việt Nam” – bà Sắc nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng cho rằng: Để hiện đại hóa, chuyên môn hóa được nghề cá là cả một quá trình rất dài. Tiềm lực của ngư dân, của nghề cá Việt Nam hiện nay có thể nói mới chỉ bắt đầu đi vào hiện đại hóa, thực trạng chung vẫn là nhỏ lẻ, manh mún... Tuy nhiên, vấn đề nhỏ lẻ, manh mún trong khai thác, đặc thù một tàu cá khai thác đa dạng nhiều loài hải sản và vấn đề bảo tồn, tái tạo nguồn lợi hải sản, khai thác bền vững nghề cá là hai khái niệm khác nhau. Hiện nay, chủ trương xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, bền vững, cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam (mà gần nhất là Luật Thủy sản) đã có đủ các khuôn khổ pháp lí trong việc quản lí nghề cá, chống khai thác tận diệt và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Các chế tài này đồng thời cũng cơ bản đã phù hợp với hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó có các khuyến cáo của EC về chống đánh bắt IUU.
Tinh thần cơ bản nhất của việc chống đánh bắt IUU, đó vẫn là nhằm xây dựng một nghề cá bền vững, có trách nhiệm và chống khai thác bất hợp pháp. Đây đều là những vấn đề mà Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai. Vấn đề chống đánh bắt bất hợp pháp và vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua đã được chấn chỉnh quyết liệt, đến nay đã không còn tàu cá vi phạm vùng biển các nước. Tuy nhiên, không phải tất cả những yêu cầu và khuyến nghị của phía EC về chống đánh bắt IUU hiện nay Việt Nam đều có thể triển khai được trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, một số vấn đề trong triển khai chống đánh bắt IUU mà Việt Nam vẫn cần phải làm quyết liệt trong thời gian tới, đó là vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp lý, nhất là các nghị định, thông tư thi hành Luật Thủy sản, cũng như chủ trương trang bị và hiện đại hóa hệ thống thông tin giám sát tàu cá. Trước mắt, cũng cần phải xác định rõ là thị trường XK thủy sản của Việt Nam không chỉ có mỗi EU, mà còn rất nhiều thị trường quan trọng khác cần phải chú trọng”. (Thứ trưởng Vũ Văn Tám) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã