Học tập đạo đức HCM

Vĩnh biệt người tiên phong “Cởi trói nông dân”

Thứ ba - 21/04/2015 23:29
Ông Nguyễn Thành Thơ (bí danh Mười Thơ), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (nay là TP.HCM), người có công "cởi trói" cho nông dân đã từ trần lúc 0 giờ 15 phút ngày 21.4 (nhằm ngày 3.3 năm Ất Mùi) do bệnh nặng, hưởng thọ 91 tuổi.

xin giới thiệu bài viết của Nhà báo Khuynh Diệp (nguyên Thư ký riêng của ông Nguyễn Thành Thơ) để tưởng nhớ một người cán bộ của Đảng, của Hội Nông dân có công lớn đối với nước nhà. 

 

Vinh biet nguoi tien phong “Coi troi nong dan”

Chân dung ông Nguyễn Thành Thơ.

Ông Nguyễn Thành Thơ, tên khai sinh là Nguyễn Kiến Lập (thường gọi Mười Thơ, Mười Khẩn) sinh ngày 3.10.1925 tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Cha ông là Nguyễn Ngươn Hanh một nho sỹ yêu nước, theo phong trào Cần Vương. Năm 1930, ông Nguyễn Ngươn Hanh theo nhà cách mạng Châu Văn Liêm (một trong 6 người tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), trở thành đảng viên cộng sản, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh năm 1942 tại đây.

Cống hiến trọn đời cho Cách mạng

Thừa kế truyền thống yêu nước của gia đình, năm 14 tuổi (1939) Nguyễn Thành Thơ đã được giác ngộ Cách mạng, năm 1942 được đứng trong hàng ngũ Đảng. Năm 1943, ông làm Bí thư chi bộ xã Vĩnh Xuân, 1948 bí thư huyện ủy Cầu Kè (Vĩnh Long), năm 1950 – 1951 là Tỉnh ủy viên rồi Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Trà. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ chức Phó bí thư tỉnh ủy Cần Thơ, hai lần làm bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ (T.3). Năm 1969, ông được rút lên làm Trưởng ban binh vận Trung ương Cục Miền Nam. Cuối năm 1971, ông Nguyễn Thành Thơ được điều về tham gia Ban thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (I.4). Sau hội nghị Bình Giã V (hội nghị Khu ủy I.4), ông được phân công Phó bí thư Khu ủy trực tiếp phụ trách cánh B (nông thôn vùng ven và ngoại thành Sài Gòn – Gia Định). Hiệp định Pari ký kết, ông táo bạo chuyển một bố phận của cơ quan Khu ủy (cánh B) bí mật áp sát vùng ven phía tây nam thành phố, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của quần chúng nông dân bung về ruộng vườn cũ mưu sinh, bảo vệ cơ sở Đảng vừa hồi sinh sau tổng công kích Mậu Thân (1968), đưa con em tham gia các lực lượng vũ trang… Sau ngày thành phố giải phóng (30.4.1975), ông Nguyễn Thành Thơ làm Giám đốc Sở nông nghiệp thành phố, thực hiện công tác di dân xây dựng các vùng kinh tế mới và một số nông trường của TP.HCM. Tại Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng rồi ra Trung ương làm Phó ban Ban cải tạo nông nghiệp Miền Nam. Năm 1982, Ban này giải thể, ông được phân công làm Phó ban trù bị Đại hội Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam (HLHNDTTVN). Đại hội Hội NDVN làn thứ nhất (1988) ông giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN cho tới ngày nghỉ hưu (1992).

 Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, ông Mười Thơ nổi tiếng liêm khiết, có cuộc sống giản dị, tính cách thẳng thắn và trung thực, không ham công danh địa vị nên được mọi người kính nể và tin tưởng. Suốt 40 năm nay, ông cùng vợ – bà Mười Nga (cán bộ lão thành Cách mạng) và các con vẫn sống trong ngôi nhà do thành phố cấp ở số 39 đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.

Cởi trói cho nông dân

Trong những “nghi oan” ông Mười Thơ từng hứng chịu, lâu lâu nhắc lại, ông rất khoái, coi đó như một đóng góp của cá nhân với nông dân và kinh tế nông thôn cách nay hơn hai con giáp. Ấy là, năm ông đang phụ trách Phó ban thường trực Ban trù bị Đại hội HLHNDTTVN, cũng là thời kỳ ông Nguyễn Văn Linh đắc cử Tổng Bí thư của Đảng (1986).

Một hôm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi ông Mười Thơ đến báo cáo tình hình nông dân cả nước, trong đó có nông dân ĐBSCL. Sau khi nghe ông trình bày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Anh thương dân, thương nước thì phải đi cởi trói nông dân. Anh không còn cách nào khác đâu. Phải đi cởi trói nông dân thôi!”. Để yên tâm trong việc tiếp nhận ý kiến Tổng Bí thư, sáng hôm sau ông tranh thủ gặp lại ông Nguyễn Văn Linh và được Tổng Bí thư nêu ra bốn vấn đề đang đặt ra cần được giải đáp, tháo gỡ trong tình hình nông dân – nông nghiệp và nông thôn lúc bấy giờ. Trong đó, mô hình Tập đoàn sản xuất và Hợp tác xã nông nghiệp (TĐSX – HTXNN) cùng ruộng đất của nông dân đưa vào trong các tổ chức kinh tế  hợp tác này đang gây nhiều bức xúc trong xã hội ở nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng ĐBSCL.

Trở về Miền Nam, ông Mười Thơ đi ngay xuống tỉnh Vĩnh Long gặp Phó Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đang có mặt ở đấy. Vốn cùng quê Vĩnh Long, cùng tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ cho tới ngày giải phóng, nên khi gặp lại ông Võ Văn Kiệt, ông Mười Thơ nói thẳng ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để tham khảo ý kiến. Cuộc trao đổi giữa hai người còn có ông Sáu Ức - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long chứng kiến. Được ông Kiệt ủng hộ quan điểm Cởi trói nông dân, ông Mười Thơ lần lượt đến các tỉnh ĐBSCL, ở đâu ông cũng nhận được tiếng nói đồng tình, tán thành việc Cởi trói nông dânđể phát triển sản xuất. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh An Giang phát biểu mạnh mẽ nhất, hứa chủ động trả lại đất cho nông dân. Tại một hội nghị BCH Hội NDVN tổ chức tại Đà Nẵng, ông Mười Thơ tham gia chủ trì bàn thảo nhiều vấn đề bức thiết về nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Ngoài thảo luận ở hội trường, còn chia tổ theo khu vực Bắc – Trung – Nam thảo luận. Vấn đề nông dân xin lấy lại đất để ra khỏi TĐSX – HTXNN được các đại biểu khu vực Nam Bộ thảo luận sôi nổi nhất. Ông Mười Thơ nhớ lại: “Khi đưa vấn đề này ra hội trường biểu quyết, toàn thể BCH tán thành nông dân muốn lấy lại đất khi vô TĐSX – HTXNN để chủ động sản xuất, cần phải chấp thuận ủng hộ nông dân”.

“Danh lợi không sờn lòng”

 Một lần, hàng trăm nông dân tỉnh Vĩnh Long kéo lên TP.HCM đến các cơ quan chức năng của Trung ương đóng tại TP và các cơ quan truyền thông đại chúng gửi đơn kiến nghị xin lại đất đưa vào TĐSX – HTXNN trước đây, đồng thời tố cáo một bộ phận ban quản lý TĐSX hà lạm công quỹ tập thể, tham những đất đai. Tình hình lúc bấy giờ khá căng thẳng. Tỉnh ủy Vĩnh Long đưa xe lên động viên đón bà con trở về địa phương giải quyết nhưng họ yêu cầu chính quyền trả lời cụ thể thì mới về. Trước tình hình ấy, vị chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đến nhà riêng ông Mười Thơ nhờ ông thảo thư kêu gọi bà con trở về rồi mời ông ra địa điểm bà con đang chờ đợi đọc trực tiếp nội dung để nông dân hiểu chủ trương của địa phương đối với vấn đề ruộng đất. Nghe xong, hàng trăm nông dân tỉnh này vui vẻ lên xe của tỉnh đưa về địa phương, giải quyết ổn thỏa.

 

Vinh biet nguoi tien phong “Coi troi nong dan”

Ông Mười Thơ kể chuyện công tác binh vận khi ông làm trưởng ban binh vận Trung ương Cục MN.

Có lần ông Mười Thơ tâm sự: “Theo tôi hiểu, chuyện vô – ra TĐSX – HTXNN là tự giác, tự nguyện của nông dân, không được mệnh lệnh cưỡng bức làm khó dễ nông dân lúc vô cũng như khi họ muốn ra”. Quanh câu chuyện ông Mười Thơ đi Cởi trói nông dân không ít người băn khoăn hỏi và được ông trả lời: “Cởi trói để nông dân làm chủ miếng đất của mình, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, tạo động lực để nông dân sản xuất hàng hóa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tham gia xuất khẩu. Nếu nông dân không được làm chủ ruộng đất cộng với chủ trương đổi mới, chính sách đúng đắn của Đảng – Nhà nước thì làm sao thời gian vừa qua có năm nước ta xuất khẩu tới 7 triệu tấn lương thực và hàng tỷ USD hàng thủy sản, trong đó chủ lực là nông dân ĐBSCL sản xuất ra”.

Nói về bản lĩnh và cái tâm vì nông dân của ông Mười Thơ, có lần tướng Hoàng Cầm (nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 9 anh hùng) gặp ông ở Hà Nội đã nói: “Đất nước hôm nay đi lên được, có phần công sức của anh”. Nghe vậy, ông Mười Thơ trả lời: “Không dám!”. Ông Hoàng Cầm lại nói: “Không dám sao được, không có những người như anh tiên phong cởi trói nông dân, làm sao có nền nông nghiệp đi lên như hôm nay!”. Còn ông Trịnh Văn Lâu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long (cũ) phát biểu: “Nhiều người muốn làm như Mười Thơ nhưng không ai làm được. Mười Thơ lại làm được”.

Năm 1992, ông Mười Thơ được nghỉ hưu theo chế độ, ông lên tỉnh Sông Bé (cũ) gặp ông Sáu Phong (ngyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) lúc này đang làm Bbí thư tỉnh ủy, đặt vấn đề xin khu đất trống đồi trọc hoang hóa ở huyện Tân Uyên để xây dựng trang trại trồng các loại cây ăn quả. Thấy ông “điền viên ẩn sỹ”, các ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, ông Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước)… lên thăm. Ai cũng cảm kích thái độ lao động và ý chí thực hiện “Chương trình 327 – phủ xanh đất trồng đồi núi trọc” làm trang trại của ông Mười Thơ.

Những tháng ngày sống thanh bạch bên dòng sông Bé oai hùng, thuộc chiến khu D năm xưa, ông thảnh thơi, suy nghĩ sự đời, chắp bút viết hồi ký “Cuối đời nhớ lại” những việc ông từng làm, từng trải. Ông tâm sự:

                               Nước trong rửa ruột sạch trơn

                               Một câu danh lợi không sờn lòng đây

                               Nay voi, mai vịnh vui vầy

                               Ngày dài hứng gió, đêm chầy chơi trăng../.

                                           TP.HCM, đêm 20 tháng 04 năm 2015

Sau thời gian đi Cởi trói nông dân, tuy phải hứng chịu “nghi oan” nhưng ông Mười Thơ lại vinh dự được Nhà nước tổ chức trao tặng huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.
TIN BUỒN
             
Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN, Ban Kinh tế T.Ư, Thành ủy  TP. Hồ Chí Minh, Thành ủy TP.Cần Thơ, Tỉnh ủy Vĩnh Long và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ, tên thật là Nguyễn Kiến Lập; tục danh là Bôn; bí danh là Khẩn) sinh ngày 3.10.1925, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long); thường trú tại 39/41 Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Cán bộ hoạt động cách mạng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV; nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nông nghiệp Trung ương (nay là Ban Kinh tế Trung ương), nguyên Phó Trưởng ban, Ban trù bị Đại hội đại biểu ND tập thể Trung ương (nay là Hội NDVN), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T. Ư Hội NDVN. Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 0 giờ 15 phút ngày 21.4.2015 tại nhà riêng. Gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao của đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Nguyễn Thành Thơ với nghi thức lễ tang cấp cao.
Linh cữu đồng chí Nguyễn Thành Thơ quàn tại Nhà tang lễ TP.Hồ Chí Minh. Lễ viếng được tổ chức vào hồi 6 giờ ngày 22.4 đến hết ngày 23.4; đưa về quê nhà tỉnh Vĩnh Long lúc 6 giờ ngày 24.4. Lễ an táng tổ chức vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 26.4 tại quê nhà xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Được tin ông Nguyễn Thành Thơ từ trần, Đảng ủy, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay và  điện tử Dân Việt xin chia buồn cùng gia quyến.                                                                                    
Nguồn: danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập528
  • Hôm nay68,612
  • Tháng hiện tại773,725
  • Tổng lượt truy cập90,837,118
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây