Đứng đầu danh sách là vấn đề gia tăng chênh lệch thu nhập, tăng một thứ hạng so với bản báo cáo được WEF công bố năm trước. Báo cáo phân tích việc thờ ơ với tình trạng chênh lệch thu nhập trong xã hội có thể dẫn tới những mối nguy hiểm dễ nhận thấy.
Những người không thuộc bộ phận có thu nhập cao, đặc biệt là giới trẻ thường cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội và họ sẽ trở thành lực lượng chính trong các cuộc xung đột. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và một xã hội hòa bình.
Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các vấn đề "nóng" toàn cầu là tình trạng thiếu việc làm, cũng tăng lên một bậc so với báo cáo trước đó.
Mặc dù kinh tế thế giới đang bắt đầu hồi phục sau khủng hoảng, nhưng số người có việc làm vẫn giữ nguyên, thậm chí còn giảm đi.
Việc chậm trả lương đã kìm hãm triển vọng phát triển và tạo việc làm, từ đó góp phần làm gia tăng chênh lệch thu nhập.
Đứng ở vị trí thứ 3 là thiếu vai trò lãnh đạo, thay vì hợp tác để cùng đối phó với những thách thức kinh tế và xã hội thì các quốc gia và các nhà lãnh đạo lại đang hướng về chủ nghĩa biệt lập.
Hai vấn đề thời sự khác mới xuất hiện trong bản báo cáo năm nay là sự gia tăng các cuộc cạnh tranh về địa chính trị, điển hình là Nga và phương Tây, xếp thứ 4 và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, đứng thứ 8.
Ở các vị trí tiếp theo là ô nhiễm môi trường, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ thiếu nước sạch và tầm quan trọng của sức khỏe đối với phát triển kinh tế, trong đó điển hình là dịch Ebola đang hoành hành và gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế các quốc gia Tây Phi.
Ngoài ra bản báo cáo cũng chỉ ra những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao.
Ngân hàng thế giới (WB) ước tính 50% sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển là do vấn đề chăm sóc y tế và tuổi thọ trung bình thấp gây ra.
Theo Vietnam+