Cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù đang được triển khai. Nguồn: internet
Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014 đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù. Chương trình cho vay thí điểm có hai mục tiêu: hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong sứ mệnh này và khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia khi thấy được lợi ích thiết thực từ các mô hình sản xuất mới.
NHNN đã phối hợp với hai Bộ khẩn trương nghiên cứu, khảo sát thực tế một số mô hình tại một số tỉnh, thành phố và xây dựng cơ chế chính sách của chương trình cho vay thí điểm. Ngày 28/5/2014, NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Tiếp đó, NHNN ban hành các quyết định phê duyệt danh sách ngân hàng thương mại và 10 doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm thực hiện 11 dự án tại 6 tỉnh, thành phố (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định) và đã hai lần tổ chức Lễ ký kết cho các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình tại Hà Nội.
Ngày 14/10, NHNN phê duyệt danh sách các ngân hàng thương mại và 17 doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm (đợt 3). Đây là những doanh nghiệp có mô hình sản xuất liên kết khá hoàn chỉnh, có quy mô sản xuất lớn để tạo ra mô hình tốt trong liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ. Trước khi khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng (MDEC), NHNN tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành phố Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa đại diện cho doanh nghiệp được lựa chọn lần này với các ngân hàng thương mại.
Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm, mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao lần này là đợt cuối cùng theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng tổng số doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình là 27 doanh nghiệp thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các ngân hàng thương mại đã ký kết với các doanh nghiệp tham gia chương trình lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm sẽ tạo ra cách làm mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đồng thời mở ra hướng đầu tư tín dụng mới hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với những doanh nghiệp chưa được liên bộ lựa chọn, NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp cận dự án của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh giới thiệu để thẩm định và quyết định cho vay với lãi suất và thời hạn phù hợp để thực hiện dự án. Những kinh nghiệm quý báu của Chương trình cho vay thí điểm sẽ được liên bộ tổng kết, đánh giá hiệu quả chương trình và xem xét trình Chính phủ quyết định triển khai nhân rộng trên toàn quốc.
Theo daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã