>> Bài 1: Tâm lý… thích nghèo!
>> Bài 2: Nghèo vì đông con, bệnh tật…
Trong bối cảnh thực lực của các hộ nghèo và cận nghèo còn rất hạn chế thì việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, mang tính trước mắt là rất cần thiết. Tuy nhiên, với tình trạng cho “xâu cá” chứ chưa thực sự chú trọng đến việc lo cho người nghèo “cần câu” như hiện nay thì vấn đề giảm nghèo rất khó giải quyết hiệu quả. Để người nghèo có được “cần câu đạt chuẩn”, thì đã đến lúc phải tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách mang tính chiến lược lâu dài, hướng tới đảm bảo nền tảng phát triển, thay đổi tư duy, nâng cao sinh kế…
Để thoát nghèo nhanh và bền vững thì công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động nông thôn, trong đó có người nghèo đóng vai trò vô cùng quan trọng và có thể xem đây là nhân tố then chốt để xử lý tận gốc rễ đói nghèo, lạc hậu. Trên thực tế, các chương trình giảm nghèo trong thời gian qua cũng đã được quan tâm thực hiện và có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hàng năm, tỉnh ta đều xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề phù hợp để người nghèo tự tạo việc làm, ưu tiên các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc đi lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, GQVL, đào tạo nghề đã ban hành lại chưa đủ mạnh, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa lồng ghép được các chương trình, dự án khác vào mục tiêu chung. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên ở nhiều nơi, công tác đào tạo, tập huấn nghề chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị lãng quên.
Nhìn bảng tổng hợp số lượng người được đào tạo nghề giai đoạn từ 2006 đến nay ở một số địa phương, chúng tôi không khỏi thất vọng; cụ thể như: xã Kỳ Tây (Kỳ Anh), Sơn Kim II (Hương Sơn) là những ô trống; Kỳ Thọ (Kỳ Anh) chỉ có 1 lớp với 27 người; Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) 2 lớp với 96 người và nhiều địa phương khác cũng không là ngoại lệ. Nhưng theo đánh giá, trong số lao động nông thôn tham gia các lớp học này có rất ít người thuộc diện nghèo.
Đào tạo nghề đang còn nhiều vấn đề bất cập, ứng dụng các loại kiến thức đã được học vào thực tiễn sản xuất cũng là điều đáng bàn vì lao động nông thôn, nhất là người nghèo có khả năng tiếp thu và ứng dụng kém hơn so với mặt bằng chung. Mặt khác, việc lựa chọn các ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp cũng tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề và GQVL sau khi học. Cá biệt, một số nơi đưa những lớp đào tạo nghề về tin học, sửa chữa điện dân dụng về vùng sâu, vùng xa, hay sản phẩm chủ lực của vùng là loại này nhưng lại tập huấn, đào tạo nghề ở lĩnh vực khác mà họ không cần…
Cùng với công tác đào tạo nghề, GQVL thì việc phát huy có hiệu quả nguồn vốn từ các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được xem là “cần câu” quan trọng để người nghèo vươn lên. Qua quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, những năm qua, đã có rất nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ các chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ) tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương |
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 7 năm gần đây, doanh số cho vay trên địa bàn từ 13 chương trình tín dụng đạt trên 5.598 tỷ đồng với 381.587 lượt khách hàng được vay; trong đó, doanh số cho hộ nghèo vay đạt hơn 2.012 tỷ đồng với 157.966 lượt hộ vay, doanh số thu nợ 1.461,5 tỷ đồng. Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho gần 43.000 lao động, giúp gần 56.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41.000 hộ cải thiện đời sống, gần 45.000 hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn và 1.012 lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Tác dụng tích cực từ các chính sách tín dụng ưu đãi đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, nâng cao sinh kế cho người nghèo là điều không thể phủ nhận. Hiện nay, bình quân mỗi hộ nghèo có thể vay tối đa khoảng 70–80 triệu đồng bằng các chương trình tín dụng ưu đãi khác nhau và được áp dụng cho tất cả các hộ, trừ những trường hợp không còn sức lao động.
Thế nhưng, có một thực tế dễ nhận thấy, rất nhiều người thuộc diện hộ nghèo có tâm lý lo sợ, không tự tin, mạnh dạn khi vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngoài những hộ nghèo là người ngoài độ tuổi lao động, các biện pháp nâng cao sinh kế và tác động để giảm nghèo hầu như không có tác dụng thì vẫn còn rất nhiều trường hợp khác đang loay hoay với việc vay về không biết để làm gì, rồi ăn mất cả gốc lẫn lãi và không trả được nợ.
Theo chiều hướng khác, cũng có rất nhiều gia đình vay tiền nhưng không dùng vào mục đích đầu tư phát triển sản xuất mà để chữa bệnh hoặc làm việc riêng nên nợ càng thêm nợ, nghèo lại càng nghèo. Hệ lụy là các hộ được thụ hưởng chính sách ưu đãi không tạo được bước đột phá trong sản xuất, không phát huy được nội lực; tư duy làm ăn vẫn lạc hậu và mãi luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “bán lúa non”...!
Biện Nhung - Tiến Dũng
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã