Trong nhiều năm, nông nghiệp được nói đến nhiều, sản xuất để xuất khẩu cũng được nói đến nhiều, nhưng người nông dân, chủ thể chính của sản xuất lại ít được nói đến. Đặt ra con số lợi nhuận thu được từ 1ha đất sản xuất lúa gạo, nhưng thực tế có mấy hộ có được 1ha đất. Tại đồng bằng sông Hồng, 90 - 95% số hộ nông dân có diện tích 0,2 - 0,3ha, đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn một chút. Với giá lúa bán ra thấp như hiện nay, mỗi hộ phải có 4ha trở lên mới có thể sống được bằng sản xuất lúa gạo. Việc hàng chục ngàn hộ nông dân bỏ ruộng là dấu hiệu của sản xuất không hiệu quả.
Theo các báo cáo, chưa đến 10 ngàn ha nhưng với quy mô 0,2 - 0,3 ha/hộ thì đã lên tới hàng chục ngàn hộ. Đó là nỗi lo của tất cả những ai liên quan đến nông nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, muốn đạt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp việc cần làm là tái cơ cấu sao cho nông sản Việt Nam xuất khẩu có giá thành cao, xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh so với các nước khác; tránh tình trạng giá nông sản, thủy sản của nước ta biến động thất thường, xu hướng ngày càng giảm so với các nước trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nông nghiệp…
Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp là làm sao để tăng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn cả nước, vùng lãnh thổ và tỉnh, huyện, xã cho phù hợp với đặc điểm từng vùng để phát huy lợi ích trước mắt và lâu dài.
Điều này cần thể hiện rất rõ trong việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh lớn ở từng, miền. Việc chế biến, bảo quản nông sản, bán cho đối tượng nào cần phải lưu tâm và thật cặn kẽ... Hơn nữa, phải có giải pháp để thực chất hóa sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) trong nông nghiệp.
Bộ NNPTNT đã đưa ra định hướng và các giải pháp TCCNN đã được toàn ngành và các địa phương triển khai ngay trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013. Đến ngày 10/5/2014 đã có 23/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc có kế hoạch hành động) TCCNN của địa phương mình và nhiều địa phương đã triển khai trong thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc đầu tiên là phải tuyên truyền tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Việc TCCNN sẽ có tác động đến 25 triệu người làm nông nghiệp, chính vì vậy phải tạo ra nhận thức chung thống nhất và quyết tâm cao trong toàn ngành. “Đây không phải việc ứng phó tình huống mà là việc thay đổi căn bản trong nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp đó việc TCCNN cũng cần được rà soát theo từng lĩnh vực và cụ thể hóa theo lĩnh vực chuyên ngành. Hiện nay việc cụ thể hóa theo lĩnh vực ở cấp Bộ đã căn bản hoàn thành nhưng ở các địa phương thì chưa đồng bộ. Hiện nay mới chỉ có hơn 20 địa phương có đề án của riêng mình.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. “Trung ương đã xây dựng danh mục về cơ chế chính sách cho việc TCCNN để địa phương tham khảo nhưng đề nghị các địa phương phải chủ động ban hành chính sách thúc đẩy các hướng mà địa phương đang cần điều chỉnh”, Bộ trưởng Phát hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường chuyển giao ứng dụng KHCN. Việc ứng dụng KHCN cần tạo sự chuyển biến từ trong việc sử dụng nguồn lực trong nghiên cứu, không nghiên cứu manh mún và không có đầu ra cho các đề tài. Nghiên cứu cần gắn với chuyển giao và gắn với đòi hỏi của thực tiễn.
Cùng với đó, cần phát triển các hình thức kinh tế nông nghiệp phù hợp. Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành Lâm nghiệp phải quyết liệt hoàn tất việc đổi mới nông lâm trường quốc doanh.
Lĩnh vực kinh tế hợp tác cũng được Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo cụ thể đi theo 2 hướng là xây dựng các hợp tác xã chuyên ngành và liên kết 4 nhà theo Quyết định 62 của Thủ tướng. Việc liên kết là con đường tất yếu để nông dân thoát cảnh được mùa mất giá.
Mới đây, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ NN-PTNT về định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, trong đó có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đề án này hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,6-3%/năm; trong 10 năm nữa sẽ giảm 20% hộ nghèo và 20% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Định hướng tổng thể chung của ngành là thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa, trong khi ngành trồng trọt quan tâm phát triển rau và hoa công nghệ cao. Trong đó, thủy sản vẫn là lĩnh vực được coi là mũi nhọn tập trung đầu tư.
Hi vọng bằng sự quyết tâm của các bộ ngành và của nông dân, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả, tạo mức sống cao cho người dân nông thôn và nền noogn nghiệp thực sự phát huy sức mạnh của nó.
Theo hoinongdan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã