Với 4 khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động, huyện Vĩnh Lộc hiện đang là địa phương có số lượng khu trang trại lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả của cả một quá trình trong thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Lộc. Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, huyện đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn dồn điền, đổi thửa, ưu tiên bố trí các hộ dân có kế hoạch xây dựng trang trại chăn nuôi được đổi thửa về khu đất đã được định hướng sử dụng để phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, chuyển đổi một phần đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển kinh tế trang trại, từ đó tạo quỹ đất phát triển trang trại tập trung, quy mô lớn. Trong quá trình phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, địa phương xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng vùng để định hướng đối tượng nuôi cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện cũng đã có cơ chế chính sách hỗ trợ về xây dựng hạ tầng, con giống, khoa học - kỹ thuật để các hộ chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất. Ngoài các yếu tố trên, việc lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng khu trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết các khu trang trại đều được xây dựng ở những địa phương có truyền thống chăn nuôi, người dân có kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi. Điều này không những giúp việc vận động người dân tham gia đầu tư xây dựng trang trại được thuận lợi, mà còn có nền tảng để việc sản xuất phát huy hiệu quả kinh tế. Nhờ thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tế, nên huyện Vĩnh Lộc không chỉ xây dựng thành công được nhiều khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, mà còn phát triển được nhiều trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện, toàn huyện có 132 trang trại đạt tiêu chí; trong đó, có 90 trang trại chăn nuôi lợn, 5 trang trại trồng trọt, 16 trang trại thủy sản và 21 trang trại tổng hợp.
Cánh đồng Xốn, xã Thọ Trường (Thọ Xuân) trước đây chỉ là một vùng trồng lúa kém hiệu quả kinh tế. Để tạo sự chuyển mình cho vùng đất này, năm 2012, xã Thọ Trường đã tiến hành vận động các hộ chăn nuôi, tích tụ ruộng đất nhằm tạo quỹ đất phát triển khu trang trại chăn nuôi tập trung của xã. Trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo tiền đề cho công tác tích tụ ruộng đất, xã đã thông tin rộng rãi đến quần chúng nhân dân về kế hoạch sử dụng các quỹ đất cho từng mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, có cơ chế ưu tiên về quỹ đất cho các hộ đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế trang trại. Với cách làm công khai, xã Thọ Trường đã xây dựng thành công khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, với tổng diện tích lên tới gần 64 ha. Đây được xem là khu trang trại chăn nuôi tập trung điển hình của huyện Thọ Xuân về quy mô và tiềm năng phát triển, mà còn là điển hình về việc tạo quỹ đất để xây dựng khu trang trại.
Qua tìm hiểu thực tế và trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng và phát triển tại một số khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, chúng tôi nhận thấy: Để xây dựng thành công khu trang trại chăn nuôi tập trung, trước hết là phải tích tụ được diện tích đất có thời gian sử dụng lâu dài, tạo tâm lý yên tâm để người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Việc tạo được quỹ đất còn là điều kiện để các địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong quá trình hoạt động, để các khu trang trại phát huy tối đa hiệu quả sản xuất, chính quyền địa phương cần tạo ra được sự gắn kết các hộ chăn nuôi trong khu trang trại nhằm chia sẻ kinh nghiệp sản xuất, phòng chống dịch bệnh và liên kết với nhau trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, vị trí xây dựng các khu trang trại chăn nuôi phải nằm cách xa khu dân cư để bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đồng thời, chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.