Tại cuộc họp báo hôm qua ở thủ đô Buenos Aires, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ nói với các phóng viên rằng lệnh nới lỏng xuất khẩu thịt bò được cho phép tối đa bằng 50% khối lượng trung bình hàng tháng của năm 2020.
Hồi giữa tháng 5 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez đã bất ngờ thông báo lệnh cấm tạm thời một tháng đối với hoạt động xuất khẩu thịt bò ra nước ngoài nhằm chấn chỉnh "ngành đi vào nề nếp, hạn chế các hoạt động đầu cơ và tránh thất thoát thuế trong các giao dịch ngoại thương".
Argentina hiện là nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ tư thế giới, đồng thời là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt bình quân đầu người lớn nhất và doanh thu từ ngành chăn nuôi, giết mổ, chế biến bò thịt đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Theo Viện thống kê quốc gia INDEC, nước này đã xuất khẩu khoảng 819.000 tấn thịt bò và da bò trị giá 3,37 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 16,5% so với năm 2019 chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Đức và Israel.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Năng suất Matias Kulfas cho biết: “Việc áp hạn ngạch xuất khẩu thịt bò 50% khối lượng trung bình hàng tháng của năm 2020 sẽ được giữ nguyên từ nay cho đến ngày 31 tháng 8 tới, và tùy thuộc vào kết quả chúng tôi sẽ xem xét để tiếp tục điều chỉnh”.
Tuy nhiên hạn ngạch này không tính đến số lượng theo một thỏa thuận riêng rẽ với Liên minh Châu Âu về thịt bò không chứa hormone. Ngoài ra, chính phủ cũng cấm xuất khẩu bảy khấu thịt bò phổ biến với người tiêu dùng trong nước, bao gồm cả mặt hàng chủ lực thăn "asado", cho đến ngày 31 tháng 12.
"Ưu tiên tuyệt đối vẫn là không để xảy ra thiếu thịt trên bàn ăn của người dân Argentina. Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp ổn định giá cả", Bộ trưởng Kulfas nói về các giải pháp.
Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh vấn nạn nghèo đói ảnh hưởng đến 42% dân số Argentina, và Tổng thống Fernandez đã tìm cách giảm chi phí sinh hoạt bằng cách thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả.
Ông Fernandez khẳng định, Argentina không thể chấp nhận sự gia tăng giá thịt gần đây ở một quốc gia đã quay cuồng với ba năm suy thoái và những tác động kinh tế bất lợi của đại dịch Covid-19. “Chỉ số giá cả tăng đã góp phần vào tình trạng lạm phát ở Argentina thêm gay go, vốn liên tục nằm trong số những nơi cao nhất thế giới, đạt 17,6% trong quý đầu tiên của năm 2021”, theo INDEC.
Ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực, những người chăn nuôi bò đã thông báo ngừng bán thịt bò trong nước trong vòng hai tuần để phản đối động thái của chính phủ. Lý do được phía người chăn nuôi đưa ra tại cuộc biểu tình là “nguồn hàng luôn sẵn có trong nước, còn giá tăng là do các cơ sở bán thịt và thị trường đã đầu cơ khiến giá thịt tăng mạnh - khoảng 76,2% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Theo Phòng Công nghiệp và thương mại Argentina, ngành công nghiệp bò thịt đang sử dụng khoảng 100.000 lao động trong nước. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt ở Argentina đã giảm liên tục năm này qua năm khác, từ 69,3 kg/người vào năm 2009 xuống còn 49,2 kg hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã