Theo Báo cáo Tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam 2021 do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) xây dựng, trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu khoa học, tối ưu hóa việc áp dụng công nghệ, chủ động hơn trong quá trình chuyển đổi số đã và đang tạo ra những giá trị vượt ngoài sự kỳ vọng, đó sẽ là nền tảng cho những sự thay đổi lớn của ngành.
Trong trồng trọt, công nghệ, nền tảng internet vạn vật (IoT); dữ liệu lớn (Big Data); trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tự hành (robotics); cảm biến (sensors)… bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, nguồn gen, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực...
Nếu như năm 2016, Việt Nam mới chỉ có 1 công ty làm về truy xuất nguồn gốc điện tử thì hiện nay, những công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc đã và đang được rất nhiều công ty tìm hiểu và phát triển.
Công nghệ IoT, công nghệ chuỗi khối, công nghệ sinh học được áp dụng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của TH True Milk, Vinamilk.
Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ mã vạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; sử dụng hệ thống thông tin địa lý và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phầm mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng…
Trong thủy sản, chuyển đối số cũng diễn ra mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu – thả lưới chụp, công nghệ GIS và GPS giúp quản lý đội tàu khai thác xa bờ.
Các hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn – RAS, công nghệ biofloc, công nghệ nano cũng đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe tôm nuôi.
Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản, từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất… giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, bản thân các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã rất chủ động trong quá trình tìm kiếm cơ hội, công nghệ phù hợp, đặc biệt là các yêu cầu từ chính những người mua, thị trường lớn quốc tế để đảm bảo được lợi thế và đáp ứng được những yêu cầu cao về tính minh bạch trong quá trình ươm tạo, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, thậm chí cả khâu logistics.
Thực tế đã cho thấy những thành tựu rất rõ rệt của quá trình áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số cũng như tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này.
Dù vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đi sau so với nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn tại Trung Quốc, trải qua quá trình dài phát triển tập trung, đầu tư trọng điểm, nước này đang đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp số gắn với khu vực nông thôn, với các nội dung như: Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ không gian, trên không và mặt đất; tích hợp công nghệ số với hệ thống công nghiệp, sản xuất và quản lý; nâng cao trình độ kỹ thuật số của nông dân...
Trung Quốc đang là quốc gia duy nhất ứng dụng AI vào chăn nuôi nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro. Chẳng hạn trong việc chẩn đoán bệnh cho heo, AI có thể giúp phán đoán những bất thường của từng cá thể thông qua nhiệt độ cơ thể, âm thanh của tiếng ho và đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên cơ sở dữ liệu được lưu trữ và thông báo cho người chăn nuôi để đưa ra phương pháp điều trị chính xác.
Trong nông nghiệp, Thái Lan thực hiện chuyển đổi số từ nông trại tới bàn ăn thông qua khái niệm nông nghiệp chính xác, chú trọng áp dụng công nghệ số bao gồm công nghệ cảm biến, phân tích hình ảnh, phần mềm quản lý trang trại, cũng như AI và robot để tối ưu hóa hoạt động sản xuất của nhà máy, tăng năng suất, sản lượng trong chăn nuôi.
Nông dân, người sản xuất nông nghiệp có thể theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất một cách chính xác, hỗ trợ quá trình truy xuất nguồn gốc, từ đó thúc đẩy một cách tổng thể năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch VIDA, Tổng Giám đốc Nafoods Group, rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang âm thầm chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình, trong đó có Nafoods. Nafoods Group đang đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong chuỗi giá trị, từ giống, chăm sóc, chế biến đến logistics.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong chuỗi giá trị, Nafoods đưa ra mô hình con cá. Theo đó, Nafoods chỉ sở hữu cái lõi là đầu cá và xương sống. Đầu là công nghệ, dữ liệu. Xương sống gồm có 4 đốt sống: Đốt sống đầu tiên là giống; đốt sống thứ 2 là trồng và nuôi; đốt sống thứ 3 là chuỗi hậu cần và chế biến; đốt sống cuối cùng là tiêu thụ.
Muốn mô hình này thành công, cần rất nhiều cái "xương" cắm vào các "đốt sống" của Nafoods. Những cái "xương" đó chính là các đối tác, nông dân, người lao động, khách hàng..., và họ đều phải được hưởng giá trị tương xứng.
Ông Hùng ví von mô hình này giống như một dạng Grab trong nông nghiệp. Grab chỉ sỡ hữu xương sống và cái đầu, nhưng đã tạo ra sân chơi rộng lớn với hàng trăm ngàn, hàng triệu xe tham gia vào và vận hành rất hiệu quả.
Ông Hùng cho rằng, để chuyển đổi số thành công, phải công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, mỗi trang trại trái cây không còn là trang trại nữa mà phải như một nhà máy sản xuất trái cây. Hiện Nafoods đang xây dựng các mô hình chuẩn, trồng chanh leo một cách công nghiệp, làm sao để tất cả các cây chanh leo đều giống nhau.
Nhưng theo ông Hùng, để số hóa, trước hết phải có dữ liệu. Muốn có dữ liệu, từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể làm được mà phải có sự hợp lực của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico cho rằng, nhà nước phải đóng vai trò chính để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ngân sách nhà nước phải là nguồn lực chính để làm công việc này.
Tuy nhiên, là những người hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số, từng doanh nghiệp, nông dân cũng phải có trách nhiệm, tích cực tham gia vào. Chẳng hạn, trong việc xây dựng dữ liệu, hàng chục triệu nông dân tham gia vào sẽ tạo thành một kho dữ liệu khổng lồ.
Liên quan đến vấn đề dữ liệu, ông Võ Quan Huy (Công ty TNHH Huy Long An) chia sẻ, năm nào Trung Quốc lạnh sớm, thì chuối Việt Nam sẽ có giá cao vì xuất khẩu được nhiều sang bên đó, dưa hấu cũng sẽ bán được giá. Điều đó cho thấy nếu tích hợp được những dữ liệu về thời tiết như vậy vào sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển đổi số, thì sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho nông nghiệp Việt Nam.
Thanh Sơn/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã