Theo anh Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng VH – TT huyện Ba Chẽ, nếu như không có dịch Covid - 19 xảy ra, thì trên địa bàn đã có nhiều lớp học được tổ chức như: Lớp dạy nghề chạm bạc, lớp dạy thêu và cắt may người Dao, lớp dạy chế tác mặt nạ gỗ và mặt nạ giấy cho người Dao – Thanh Y. Song song với các lớp học còn có các dự án khôi phục bảo tồn trình diễn dân ca dân vũ cho người Dao, Dự án Sưu tầm xuất bản cuốn sách di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Dao ở Ba Chẽ.
Các thành viên CLB Thêu thổ cẩm Dao Thanh Y, thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn đang trình diễn thêu khăn.
Đặc biệt từ năm 2019, huyện Ba Chẽ đã khôi phục lại được lễ nhảy lửa, điệu múa rùa, trò chơi vật chày người Dao. Các nghi lễ này từ rất lâu đã không thấy xuất hiện ở Ba Chẽ.
Lễ nhảy lửa đã được tái hiện tại xã Đồn Đạc. Theo những người Dao cao tuổi ở xã Đồn Đạc, thì lễ nhảy lửa, tập quán xưa của người Dao thường được tổ chức vào cuối năm hoặc đầu năm mới cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho vụ thu hoạch lúa vừa kết thúc và cầu cho thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú của đồng bào Dao.
Trong buổi lễ, một đống củi lớn được đốt lên ở khoảng sân rộng cho đến khi lễ cầu may, cầu phúc của thày cúng xong, cũng là lúc củi đã cháy gần hết còn đống than hồng. Những người nhảy lửa, nhảy cả 2 chân trần trên đống than hồng nhưng không bị bỏng, người nọ nhảy nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm và họ đã coi như được thần linh hài lòng cho một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, những người nhảy lửa cũng phải được học hoặc họ có bí mật riêng, người bình thường nhảy vào đống than lửa sẽ bị bỏng. Lễ nhảy lửa được khôi phục, dự kiến ngoài việc được tổ chức vào những ngày tết, lễ hội và để biểu diễn thu hút khách du lịch.
Gắn liền với lễ nhảy lửa còn có múa rùa, từ truyền thuyết xưa, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng cùng chung sức đánh đuổi con rùa thành tinh đến phá hoại mùa màng. Các điệu múa diễn tả trận chiến nhưng mang nhiều nét tươi vui báo hiệu một năm mùa màng tốt tươi, không sâu bệnh phá hại.
Từ mấy năm trước, ở xã Nam Sơn (Ba Chẽ) đã có CLB Múa Phùn voòng hàng năm được trình diễn ở Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà. Đây là nghi lễ không thể thiếu được trong đời sống của người Dao Thanh Y là dân tộc chiếm phần đông ở xã Nam Sơn.
Xã Nam Sơn còn có CLB Thêu thổ cẩm Dao Thanh Y ở thôn Lò Vôi với 21 hội viên của các hộ gia đình ở thôn. Theo các thành viên của CLB thì nghề thêu thổ cẩm đã có từ rất lâu trong cộng đồng người Dao, do thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Phụ nữ Dao khi đi lấy chồng cần phải có bộ quần áo mới về nhà chồng. Ngày nay, từ sự phát triển của xã hội, nên có nhiều phụ nữ Dao cũng rất bận rộn vì tham gia vào các công việc của xã hội hiện đại, trong khi việc thêu mất rất nhiều thì giờ mà còn đòi hỏi sự khéo léo. Vậy là CLB Thêu thổ cẩm Dao Sán Chay đã cung cấp các bộ trang phục truyền thống cho các chị em bận rộn, để ai cũng có quần áo dân tộc mình mặc trong những ngày lễ, tết.
Để thực hiện Dự án Sưu tầm xuất bản cuốn sách di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Dao ở Ba Chẽ thì đã có ông Hà Xuân Tiến, Nghệ nhân dân gian Việt Nam ở xã Nam Sơn. Ông Tiến là người nghiên cứu văn hóa người Dao (nhóm Dao Thanh Y) như: Chữ Nôm Dao, nghệ thuật trình diễn hát đối, tập quán xã hội (lễ Phùn voòng, lễ cưới, ma tang) của người Dao và nghề thủ công đặc trưng như: thêu thùa các bộ quần áo thổ cẩm, mũ, thắt lưng đặc trưng của người Dao... Ông Tiến đã chép được 574 quyển sách lớn nhỏ với gần 16.000 trang.
Hàng năm (nếu không có dịch Covid-19) trên địa bàn huyện Ba Chẽ diễn ra rất nhiều lễ hội phát huy bản sắc dân tộc như: Lễ hội miếu Ông- Miếu Bà, Lễ hội Đình Làng Dạ, Lễ hội Lồng Tồng.. Tại các lễ hội này, thể hiện rất rõ nét bản sắc văn hóa các dân tộc, được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Anh Vũ/ https://www.quangninh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã