Với quyết tâm làm giàu từ cây ăn quả, ông Hoàng Văn Chất, dân tộc Thái (sinh năm 1960) ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng.
Năm 1998, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông Chất vẫn bỏ ra số tiền 7 triệu đồng (tương đương cả 1 cây vàng thời đó) để mua sách dạy trồng cây, các tài liệu kỹ thuật trồng cam, bưởi...cây ăn quả khác về tham khảo.
Sau nhiều năm kiên trì chăm sóc, vườn cây có múi của ông Chất đã khép kín gần 5ha và cho nhiều quả xum xuê.
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi đến tham quan trang trại gia đình ông Chất, đúng lúc ông đang tưới nước cho cây tại vườn. Ông Chất có thân hình cao ráo, khuôn mặt hơi gầy với làn da rám nắng, hằn sâu nhiều vết nhăn, đôi bàn tay gầy guộc đúng kiểu một lão nông "chân lấm tay bùn" miền sơn cước.
Bắt chuyện với ông Chất một hồi lâu, chúng tôi cảm nhận được sự cởi mở và chân thật của ông khi nói về cuộc sống và hành trình duyên nợ với cây có múi như: Cam Vinh, cam đường Canh, cam C36, cam Mỹ, bưởi da xanh.
Vừa tan 1 tuần trà, ông Chất nói với chúng tôi rằng: "Giờ vườn cam của gia đình tôi đang cho quả sai lắm, phải vài tháng nữa mới chín và cho thu hoạch. Các anh có muốn cùng tôi vào vườn xem không? Chúng tôi liền đáp: "Dạ, tất nhiên rồi bác, đó là điều mà chúng tôi đến đây gặp bác mà".
Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông Chất vừa đi vừa vui vẻ nói: "Vườn cây ăn quả nhà tôi cũng khá rộng nên cần nhiều công sức chăm sóc lắm. Vì thế, để vơi đi vất vả tôi có thuê vài công nhân người sở tại về làm cho gia đình rồi".
Nhìn vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn đang cho quả trĩu cành, ông Chất nhớ lại những ngày đầu vật lộn cùng mảnh đất khô cằn này: "Trước đây tôi làm cán bộ khoa xét nghiệm của Bệnh viện quân y 6, nhưng đến năm 1989 thì tôi xin nghỉ hẳn về nhà để tiện chăm mẹ già và vợ bị ốm. Mảnh đất gần 5ha này nằm trên 1 quả đồi thuộc vùng hẻo lánh, ít người qua lại. Muốn phát triển kinh tế chỉ còn cách làm trang trại là phù hợp nhất".
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Chất đã trồng thử các loại cây và theo dõi hiệu quả của chúng. Ông trồng lúa, mận hậu, mơ, cà phê... nhưng hầu như đều thất bại vì bị sương muối tàn phá vào mùa đông.
Không chịu lùi bước, năm 1998 ông Chất cất công về Hà Nội, mua tất cả các tài liệu kỹ thuật, sách kỹ thuật liên quan đến đất đai và cây trồng để về nghiên cứu, tìm loại cây phù hợp với đất.
Vừa đọc tài liệu, ông vừa trồng thử nghiệm thêm các giống cây khác nhau và theo dõi sự phát triển của chúng.
Đến năm 2012, ông Chất quyết định chặt bỏ toàn bộ cây cà phê, mơ, mận trong vườn để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả sau khi tìm hiểu thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở quê nhà. Ông trồng chủ yếu các loại cam, bưởi được lấy giống chọn lọc tại các cơ sở uy tín ở Hà Nội.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Chất vừa làm theo tài liệu hướng dẫn vừa học hỏi từ các nhà vườn khác dưới xuôi. Ban đầu mới bắt tay vào trồng vườn cây, vì thiếu vốn nên ông chỉ mua một số cây giống, rồi về chăm và chiết cành để nhân rộng thêm.
Xác định sẽ gắn bó lâu dài với cây ăn quả nên ông đã chọn phát triển vườn cây trái theo hướng làm nông nghiệp sạch. Tất cả các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch quả ông đều tuân thủ theo quy trình VietGAP.
Ông Chất đầu tư đào 1 cái giếng khoan, để lấy nguồn nước sạch tưới cho cây nhằm ngăn ngừa các loại nấm và sâu bệnh. Ông hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, trong quá trình chăm sóc cây ông ưu tiên dùng chế phẩm sinh học và phân chuồng cùng vỏ cà phê, lõi ngô ủ hoai mục.
Bên cạnh đó ông thường xuyên làm cỏ quanh gốc và tỉa cành, loại bỏ bớt các quả nhỏ để giúp cây khỏe cho quả to, ngon hơn.
Nhờ cách chăm sóc bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nên vườn cây ăn quả của gia đình ông Chất phát triển rất tốt. Khoảng 3 năm sau, thì vườn cây của ông bắt đầu cho thu hoạch quả đem bán.
Đặc biệt, năm 2018 ông Chất đã thành lập Hợp tác xã Trường Tiến do ông làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, chuyên cung cấp hoa quả sạch và các loại giống cây ăn quả cho các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Vì vậy mà sản phẩm của ông luôn có đầu ra ổn định và cho thu nhập cao.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Chất, bản ủ 2 cho hay: "Sau nhiều năm chăm sóc đến nay vườn nhà tôi có 4.700 gốc cây ăn quả. Trong đó, cam các loại là 4.000 gốc, bưởi Diễn, bưởi da xanh 700 gốc. Tôi bán cam tại vườn với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg, tùy theo từng loại mẫu mã.
Bưởi thì bán với giá 25.000 – 28.000/kg. Trong số cây ăn quả có múi, cam là bán chạy nhất. Tôi luôn đặt tiêu chí sạch, ngon, chất lượng lên hàng đầu, nên nhiều thương lái và khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng và gọi điện đặt mua.
Năm ngoái (2019), vườn cam của gia đình tôi cho thu hoạch 200 tấn, cho thu nhập 2 tỷ đồng. Năm nay nay thời tiết ủng hộ vườn cam đều cho quả đầy cành, tôi phải dùng cây tre để trống đỡ cho cây khỏi gãy cành. Tôi ước tính vụ này sẽ thu hoạch 240 tấn, ước tính có lãi 2,2 tỷ đồng".
Hiện nay Hợp tác xã của ông Chất đang có 22 thành viên, với hơn 32 ha đất trồng cam và bưởi như: Cam Vinh, cam V2, cam C36, cam Mỹ, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch quả là 18ha. Ông Chất cũng đã lắp đặt hệ thống tưới ẩm theo công nghệ của Israel, để cung cấp đủ lượng nước tưới tiêu cho cây và giảm công sức chăm sóc trong sản xuất.
Nhằm hỗ trợ một số Hợp tác xã khác và nông dân cùng phát triển kinh tế, Hợp tác xã Trường Tiến đang triển khai chuyển giao, tư vấn khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, với tổng diện tích 260 ha cam, bưởi da xanh tại các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp, Mường La, Sông Mã, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Với tinh dám nghĩ, dám làm, đến nay ông Hoàng Văn Chất không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản, xã giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu ở địa phương.
Chia sẻ với PV, ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Sơn La, cho biết: "Theo chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2014, ông Hoàng Văn Chất đã chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình ông đã có gần 5ha gồm 7 loại: Cam Vinh, lòng vàng,cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, bưởi da xanh, cam đường canh. Cuộc sống và thu nhập của ông Chất đã dư giả và sung túc..".
Theo ông Cầm Văn Minh, không những thế, ông Chất còn là 1 trong những hội viên tiêu biểu tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội tại cơ sở. Ông Chất đã giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên nông dân trong xã Chiềng Ban và các xã khác địa bàn huyện Mai Sơn.
Ông Hoàng Văn Chất tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Bằng sự cần cù, năng động trong phát triển kinh tế nông dân Hoàng Văn Chất đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen do Trung ương, tỉnh Sơn La và huyện Mai Sơn trao tặng. Đặc biệt năm 2020, ông Hoàng Văn Chất còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của toàn quốc được vinh danh là “Nông dân Việt Nam suất sắc năm 2020”.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Hà Hoàng/ Dân Việt
https://danviet.vn/phuc-sat-dat-ong-nong-dan-tinh-son-la-trong-thu-cam-dac-san-ra-qua-nhu-chum-sung-20200831134520536.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã