Ngày 4/9 vừa qua, đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) do ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng đã có có buổi làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng về kết quả triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn văn Châu - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Địa phương là nơi có đàn bò sữa khá lớn với khoảng 23.000 con. Vì vậy, Sở cũng mong muốn thực hiện bảo hiểm bò sữa tại địa phương. Tại Sơn La, chúng tôi thấy chương trình này rất hiệu quả. Sau khi cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tới khảo sát ở một số hộ dân thì chúng tôi sẽ có kế hoạch trình UBND tỉnh để thực hiện chi tiết".
Ngoài ra ông Châu cũng cho biết, ngoài bò sữa thì cá nước lạnh tại Lâm Đồng cũng là sản phẩm cần được bảo hiểm. Với khoảng 50ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, sản lượng trên 1.000 tấn mỗi năm thì đây cũng là sản phẩm tiềm năng.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Hoàng – Phó tổng giám đốc ABIC cho hay, hiện nay hai sản phẩm của công ty là bán buôn và bán lẻ với những mức giá khác nhau. Các sản phẩm bảo hiểm được phân phối chủ yếu qua kênh cấp tín dụng nông nghiệp thông qua Agribank. Vì vậy, công ty đã tập trung nguồn lực để triển khai thông qua ngân hàng nông nghiệp tại địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện bảo hiểm bò sữa còn gặp nhiều khó khăn như hai ngân hàng Agribank Lâm Đồng và Agribank Lâm Đồng II vẫn chưa có gói tín dụng ưu đãi cho gói vay bò sữa và bò sữa chưa được công nhận là tài sản thế chấp cho khoản vay. Chính vì vậy, khi các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn mua bò sữa vẫn phải thế chấp bằng sổ đỏ hoặc các tài sản khác dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Hơn nữa, phương thức chăn nuôi của các hộ sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào của nhà Tái (thẻ tai, tiêm phòng, hợp đồng thu mua sữa).
Ông Nguyễn Trọng Đại – Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng II nhận định, Agribank có đội ngũ cán bộ tín dụng rộng rãi đến từng huyện, xã vì vậy rất sát với cơ sở. Đối tượng đầu tư bảo hiểm lại chủ yếu là người dân, vì thế, chỉ có ngân hàng Agribank mới có lợi thế để thực hiện chương trình này.
Hơn nữa, làm bảo hiểm phải kết hợp với đầu tư tín dụng. Hai đơn vị này phải hỗ trợ cho nhau để hạn chế rủi ro cho đầu tư. Bên cạnh đó, các đơn vị có thể giảm một phần lãi suất để người dân tham gia các gói bảo hiểm dễ dàng hơn. Điều mà ông Đại nhấn mạnh nhất đó chính là phải thống nhất công tác tuyên truyền, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới có hiệu quả. Điều này được minh chứng trong chương trình tái canh cà phê ở Lâm Đồng.
Việc thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở một cách đồng nhất đã giúp công cuộc tái canh cà phê tại Lâm Đồng đạt kết quả rất cao. Mặc dù cũng triển khai thực hiện nhưng các tỉnh Tây Nguyên đều không cho kết quả như mong đợi. Vì vậy, đối với bảo hiểm nông nghiệp Agribank Lâm Đồng đề xuất ngân hàng nhà nước giảm lãi suất, giảm thủ tục vay vốn, đặc biệt là việc đưa bò sữa vào danh mục là tài sản thế chấp.
Ông An Văn Khanh cho biết, từ những ý kiến của các đơn vị, Cục sẽ tổng hợp để trình Bộ NNPTNT cho ý kiến, giải quyết trong thời gian tới. Lâm Đồng là địa phương có điều kiện lý tưởng để thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cả về trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài cơ chế chính sách theo quy định thì sự năng động của hệ thống cán bộ tại địa phương triển khai các gói sản phẩm bảo hiểm để người dân thấy thích, yên tâm, muốn mua thì đó là điều quan trọng nhất.
Hiện nay, tại Lâm Đồng, ABIC đã bảo hiểm cho gần 600 con bò sữa vay vốn tại Agribank với giá trị hơn 23 tỷ đồng (chiếm 22% dư nợ cho vay bò sữa trên địa bàn). Ngoài ra, ABIC đã cấp 51 đơn bảo hiểm bò sữa cho 51 hộ chăn nuôi vay vốn tại Agribank Lâm Đồng với tổng phí bảo hiểm gần 600 triệu đồng.
Cũng trong chiều ngày 4/9, đoàn công tác của Công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp đã đến chi trả bồi thường cho khách hàng bảo hiểm bò sữa cho ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và ông Bùi Đăng Sơn (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) với tổng số tiền 108 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Liễu – Thành viên Hội đồng quản trị ABIC, Giám đốc ABIC Đắk Lắk cho biết, sau khi các bộ phận giám định thiệt hại của người dân, ABIC và Agribank Lâm Đồng đã đến trực tiếp trang trại của các hộ dân gặp rủi ro nhằm động viên và chi trả bồi thường cho người dân. Việc này rất cần thiết để thực hiện quyền lợi cho khách hàng, giúp người dân mau chóng nhận được quyền lợi khi mua bảo hiểm bò sữa. Tại Lâm Đồng, ABIC và Agribank đang phối hợp để phát triển bảo hiểm bò sữa theo chủ trương của Chính phủ.
Điều đặc biệt, theo ông Liễu, tại các địa phương hiện nay việc tác nghiệp bảo hiểm bò sữa vô cùng khó khăn, thậm chí hiện nay chính những cán bộ của ABIC phải lặn lội đến từng trang trại của người dân để thực hiện bấm thẻ tai. Đây là điều khó khăn, nhưng cũng là thuận lợi để ABIC tiên phong thực hiện bảo hiểm bò sữa nói riêng và bảo hiểm cây trồng, vật nuôi nói chung dù không có công ty bảo hiểm nào mặn mà.
Vì vậy, từ những khó khăn thực tế, ABIC luôn mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện với những cơ chế, chính sách để ABIC và Agribank đưa bảo hiểm nông nghiệp đến tay người dân. Thời gian tới, ABIC sẽ không ngừng đổi mới để đưa ra những sản phẩm gần gũi nhất đối với người dân. Mục đích quan trọng nhất vẫn là vấn đề an sinh xã hội, giảm rủi ro cho nông dân, hỗ trợ người dân tái đàn chăn nuôi hiệu quả.
Văn Long/Danviet.vn
https://danviet.vn/bao-hiem-nong-nghiep-kho-cung-phai-lam-de-giam-rui-ro-cho-nong-dan-20200906093530929.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã