Hai năm qua, anh Bình có nguồn thu nhập ổn định bình quân hơn 500 triệu đồng/năm từ 5 công trồng thanh long vỏ vàng ruột trắng.
Được biết, anh luôn đi tiên phong với các loại thanh long giống mới, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Giống thanh long vỏ vàng ruột trắng này có nguồn gốc ngoại nhập.
Về kiểu hình, quả cũng gần giống các loại thanh long vỏ đỏ của Việt Nam. Khi chín thì quả ngả màu vàng rất đẹp mắt. Giống thanh long này khi trồng tại huyện Chợ Gạo ăn vào thấy ngọt, dẻo dẻo tựa rau câu.
Cách đây 6 năm, anh Bình cũng là ăn nên làm ra nhờ đi đầu tại địa phương trồng thanh long ruột tím hồng với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ diện tích canh tác khoảng 1,5ha. Hiện nay, nhận thấy nhu cầu thị trường có thay đổi, anh Bình đã chuyển sang trồng thử nghiệm giống thanh long mới này.
Nói về cơ duyên trồng giống thanh long này, anh Lê Huy Bình cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi có người anh ở bên Thái Lan đem về cho mấy chục hom trồng thử. Thấy ngon ngọt, dai lại ít sâu bệnh nên mình nhân giống ra trồng thử. Mới đầu trồng có 20 trụ, sau đó thì bắt đầu nhân giống lên và trồng đến giờ được 5 công.
Lúc đó mình đang trồng thanh long tím hồng nhưng thấy loại trái cây này không còn được ưa chuộng nữa thì thấy thanh long vỏ vàng này. Ưu điểm của nó là ít phân thuốc mà trái ra dễ nên mình chuyển qua. Trái được ưa chuộng tại siêu thị của Việt Nam mình”.
Hiện nay, gần 5 công cây thanh long vỏ vàng ruột trắng của anh Lê Huy Bình đã ngả màu chín vàng tươi, chuẩn bị cho thu hoạch. Mặc dù đang vào cao điểm thu hoạch rộ, giá thanh long ruột trắng, ruột đỏ đang sụt giảm, có thời điểm người không bán được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng thanh long vỏ vàng vẫn ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Do chỉ có rất ít người trồng nên số lượng hạn chế, các thương lái tranh nhau mua.
“Đầu ra thanh long ruột trắng, ruột đỏ bấp bênh thì cũng không ảnh hưởng mấy đến tiêu thụ của mình. Khi ruột đỏ, ruột trắng không bán được thì của mình vẫn bán được. Thứ nhất là mình áp dụng quy trình canh tác ít thuốc. Thương lái mua bán vô siêu thị. Chủ yếu là mình tiêu thụ nội địa”, anh Bình cho biết thêm.
Nói về năng suất giống thanh long này, anh Bình chia sẻ: “Mình thu hoạch cũng được mấy vụ rồi, thấy năng suất cũng tương đương thanh long ruột đỏ. Hồi đầu mình không biết cách làm, mình phun thuốc và rải phân cứ y như thanh long ruột đỏ, ruột trắng thì không lấy được trái nào hết, do nó chai nó hư hết. Rồi sau đó, để ý thấy hạn chế phân thuốc nhẹ lại thì mới lấy trái được”.
Theo anh Bình, mấu chốt trong canh tác giống thanh long này là phải canh tác theo hướng sạch, không lạm dụng phân hoá học, thuốc BVTV, nên dùng phân vi sinh, hữu cơ. Cây vừa dễ đậu trái, chất lượng cao lại bán được giá.
Anh Đặng Minh Tiền ở ấp Tịnh Mỹ, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đánh giá: “Vỏ vàng này tính ra năng suất thì nó đạt hơn mấy loại kia nhiều. Mẫu mã đẹp, tính chống chịu mặn rất tốt. Cụ thể, độ mặn 1,9‰ mà tưới vẫn tốt, xanh mướt mà không bị cháy rễ. Ăn thì thấy quả ngọt, hơi dẻo. Đầu ra thì thấy rất nhiều bạn hàng ở đây mua lắm, giành giật mua luôn”.
“Qua thời gian thử nghiệm thì trồng rất đạt, dễ làm. Dễ làm hơn ruột đỏ tím hồng nhiều. Với thấy ít sâu bệnh. Về phân bón thì thấy hạn chế được phân bón rất nhiều như phân hoá học một gốc khoảng 100g thì cái này mình bón chừng 20g trong một đợt trái là được. Bên cạnh đó, thì bón thêm phân hữu cơ vi sinh nữa”, anh Tiền chia sẻ về ưu điểm trong chăm sóc thanh long vỏ vàng.
Hiện nay, anh Tiền cũng đã nhân giống được khoảng 5 công thanh vỏ vàng ruột trắng này. Nói về sinh trưởng của giống thanh long này anh Tiền thông tin: “Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 8 tháng là có bông. Từ lúc ra bông đến chín khoảng 2 tháng. Nếu xông đèn thì cũng dễ đậu như thanh long thường. Thấy có bệnh đốm trắng nhưng cũng ít thôi. Cũng không thấy xuất hiện tuyến trùng nữa”.
Cũng theo anh Tiền, chi phí đầu tư ban đầu cho cây thanh long vỏ vàng này hơi nặng nhưng khi trồng được rồi thì thấy rất nhẹ về công chăm sóc.
“Ban đầu mình mua tới hơn 200.000 đồng/hom nhưng bây giờ thấy rẻ lại rồi, chừng 25.000 - 30.000 đồng/hom thôi. Nếu trồng theo kiểu truyền thống thì một công khoảng 150 trụ, mỗi trụ 4 hom. Còn bây giờ mình trồng theo kiểu leo giàn thì một công tính ra gần 300 trụ lận”, anh Tiền cho biết thêm.
TS Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Giống thanh long này ăn thấy thịt không chắc, độ brix khoảng 12 - 13, nhiều nước. Tôi có gặp mấy nhà khoa học người Thái thì cũng nghe họ nói giống này nhập ở nước ngoài về. Các nhà khoa học ở đây thì đánh giá chất lượng thấp không khuyến cáo trồng phổ biến đại trà.
Ở Việt Nam chúng tôi cũng không khuyến cáo trồng phổ biến. Tại vì có mấy vấn đề. Về giống thì giống của mình chắc hơn. Nếu trồng giống nước ngoài đã bảo hộ rồi thì mai mốt bán thị trường quốc tế không được. Thứ hai nữa, về mặt chất lượng thì thấy chưa được ổn định. Để trồng xuất khẩu như thanh long ruột đỏ thì hơi khó”.
Cũng theo TS Trần Thị Oanh Yến, để cải thiện chất lượng quả thanh long vàng có thể dựa vào kỹ thuật canh tác để nâng cao độ brix, độ dai hơn chút đỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài cần cải thiện chất lượng giống thì mới có thể phát triển rộng được.
Hiện nay, tại Viện Cây ăn quả Miền Nam, các nhà khoa học của Viện đã tạo ra được 2 giống thanh long ruột trắng chống chịu được bệnh đốm nâu. Đây là bệnh rất phổ biến trên cây thanh long.
Giống thanh long ruột trắng LĐ-17, LĐ-18 do nhóm tác giả TS Trần Thị Oanh Yến, ThS Nguyễn Nhật Trường, KS Huỳnh Văn Chánh, TS Nguyễn Ngọc Thi, ThS Trần Thị Thảo Như và TS Nguyễn Văn Hòa nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm. Các giống thanh long này được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam và cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.
Giống thanh long ruột trắng LĐ-17 có nguồn gốc lai hữu tính giữa thanh long ruột đỏ LĐ-1 và thanh long ruột trắng Bình Thuận, cây sinh trưởng khỏe, có khả năng ra hoa sớm (tháng 3 - 4 hàng năm) và kết thúc muộn (tháng 9), dễ ra hoa nghịch vụ khi xử lý đèn, chống chịu tốt với bệnh đốm nâu trong điều kiện trồng ngoài đồng. Quả có dạng thuôn dài, khối lượng >500g/quả, vỏ quả dày, màu đỏ hồng, tai quả màu xanh và cứng, bề mặt vỏ quả bóng. Độ Brix thịt quả cao >17%, độ chắc thịt quả ≥1,0 kg/cm2, tỉ lệ thịt quả >65%, thịt quả màu trắng, vị ngọt chua.
Giống thanh long ruột trắng LĐ-18 có nguồn gốc lai hữu tính giữa thanh long ruột đỏ LĐ1 và thanh long VX, cây sinh trưởng khỏe, có khả năng ra hoa sớm (tháng 2 hàng năm) và kết thúc ra hoa muộn (tháng 9), dễ ra hoa nghịch vụ khi xử lý đèn chống chịu với bệnh đốm nâu trong điều kiện trồng ngoài đồng. Quả có dạng thuôn dài, khối lượng >500g/quả, vỏ quả dày, vỏ quả có màu đỏ, tai quả màu xanh và cứng, bề mặt vỏ quả bóng. Độ Brix thịt quả cao >17%, độ chắc thịt quả ≥1,0 kg/cm2, tỉ lệ thịt quả >65%, thịt quả màu trắng, vị ngọt chua nhẹ.
MINH ĐẢM - HOÀNG VŨ/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã