Nếu như hai loại vacxin BioNTech và Moderna đã chứng minh khả năng trình tự và thăm dò bộ gen của nhân loại đang làm biến đổi nền y học nhanh như thế nào, thì kỹ thuật chỉnh sửa gen mới cũng có thể thay đổi nền nông nghiệp và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên công nghệ chỉnh sửa gen trong thực phẩm, hay còn gọi là công nghệ chuyển gen (GM) vẫn bị nhiều người xa lánh và gán cho nó cái tên gớm giếc “Frankenfoods”.
Theo chuyên gia cao cấp Camilla Cavendish (Hiệp hội Nghiên cứu sinh Havard), với việc thuốc trừ sâu không thể chống lại bệnh nấm, có vẻ như cách duy nhất để cứu chuối Cavendish là thay đổi bộ gen của nó. Tại Australia, các nhà nghiên cứu đã tạo ra chuối GM “chuyển gen”, bằng cách chèn một gen từ chuối hoang có thể giúp kháng lại nấm. Còn tại Anh, công ty Tropic Biosciences hiện cũng đang chỉnh sửa bộ gen của giống chuối này, sử dụng công nghệ CRISPR để loại bỏ các gen khiến nó trở nên nhạy cảm.
Vào tháng 2, hệ thống siêu thị Co-op ở Anh đã tái khẳng định lệnh cấm đối với các thành phần biến đổi gen trong chuỗi kinh doanh của mình, trước những lo ngại rằng chính phủ Anh sẽ chấp nhận công nghệ chỉnh sửa gen thời hậu Brexit.
Theo luật của Liên minh Châu Âu (EU), không một loại cây trồng biến đổi gen hoặc chỉnh sửa gen nào được phép thương mại hóa có thể được trồng mà không có đánh giá rủi ro dài hơi và nhận được sự chấp thuận của các quốc gia thành viên. Việc nới lỏng những hạn chế như vậy có thể mở ra các kỹ thuật chống lại bệnh tật và cải thiện năng suất trồng trọt để cung cấp thực phẩm cho thế giới.
Chuối Cavendish chính là một minh họa hữu ích. Giống chuối lùn ở Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew từng thống trị sản lượng thế giới nhưng hiện nay đang đứng bên bờ vực bị xóa sổ bởi loại bệnh mới: héo rũ Panama, do một loại nấm gây ra.
Tại một số quốc gia- nơi sinh kế nông dân đều dựa vào việc trồng chuối, tình hình đang rất tuyệt vọng. Vào tháng 8 năm 2019, Colombia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi dịch bệnh héo rũ Panama được phát hiện ở hàng loạt các đồn điền chuối của nước này.
Việc thao tác gen như vậy có vẻ không tự nhiên. Nhưng bản thân chuối Cavendish đã không tự nhiên, bởi nó được lai tạo như một dòng vô tính để khiến mỗi thế hệ giống hệt nhau về mặt di truyền. Trên thực tế, hầu như không có gì chúng ta ăn thực sự là “tự nhiên” bởi: mọi cây trồng và vật nuôi mà nhân loại tiêu thụ đều bắt nguồn từ quá trình sản xuất hàng thế kỷ.
Chúng ta thường cho rằng những gì “tự nhiên” thì tốt hơn “không tự nhiên” khi nói đến thực phẩm. Nhưng trên thực tế nó phức tạp hơn thế. Ví dụ khoai tây và một số loại rau có chứa chất độc có thể gây chết người nếu chúng ta không xử lý chúng, bằng cách nhân giống lai ghép hoặc không để chúng bị thối mốc.
Việc chỉnh sửa gen chắc chắn gây cảm giác sợ hãi - bởi vì nó liên quan đến việc chèn thêm DNA, ngay cả khi đó chỉ là một gen bổ sung cho hàng chục nghìn gen của chính cây trồng. Ngược lại, chỉnh sửa gen nhắm mục tiêu chính xác các gen cụ thể để theo dõi nhanh những thay đổi sẽ mất nhiều năm bằng cách sử dụng nhân giống chọn lọc.
EU đã xử trí với cả hai phương pháp đều ở mức độ nghiêm ngặt như nhau ngay từ năm 2018, và điều đó có vẻ không công bằng. Các bộ trưởng dường như có ý định làm cho việc tiến hành các thử nghiệm thực địa dễ dàng hơn và được chấp thuận thương mại cho các loài động thực vật được chỉnh sửa gen, điều này sẽ đưa Anh tiến gần hơn với Mỹ và dự kiến sẽ sớm có thông báo. Nhưng họ có nên đi xa hơn nữa không?
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn tiếp theo, khi một lượng khí thải carbon khổng lồ của ngành nông nghiệp phải được giải quyết. Kỹ thuật di truyền mang lại khả năng chấm dứt sự phụ thuộc vào phân bón sử dụng nhiên liệu hóa thạch và làm cho cây trồng có khả năng phục hồi tốt hơn. Nó sẽ cho phép chúng ta phát triển giống lúa tạo ra ít khí metan hơn và cuối cùng là thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, sẽ làm giảm đáng kể số lượng động vật nuôi công nghiệp.
Để chuyển đổi nền nông nghiệp và giảm tác động của nó, chúng ta cần cả hai kỹ thuật. Đối với kỹ thuật di truyền vẫn có thể làm được những điều mà chỉnh sửa gen không thể. Trung tâm nghiên cứu cây trồng Rothamsted của Vương quốc Anh đang thử nghiệm cây camelina biến đổi gen để chiết xuất cùng một loại dầu Omega-3 có trong cá.
“Lúa vàng” chính là loại cây lương thực biến đổi gen được bổ sung thêm gen có hóa chất beta-carotene, nhằm cung cấp thêm vitamin A. Và điều trớ trêu là mặc dù tình trạng thiếu hụt vitamin A gây ra bệnh mù lòa nhiều nơi ở Đông Nam Á, tuy nhiên nhiều nước trong khu vực vẫn miễn cưỡng chấp nhận nó- điều được coi là có vẻ quá kỳ quặc.
Vẫn biết quy định, luật pháp là sống còn vì có rất nhiều lo lắng chính đáng như cây trồng có nguy cơ bị nhiễm chéo không? hay côn trùng liệu có bị ảnh hưởng? hoặc mức độ an toàn ra sao? Công nghệ biến đổi gen vẫn bị phủ bóng bởi những nỗ lực vào những năm 1990 của một số công ty Mỹ nhằm tạo ra thế độc quyền, ràng buộc nông dân nghèo chung thân với hạt giống của họ.
Nhưng quy định phải sáng suốt. Hiệp hội Hoàng gia Anh đã hối thúc chính phủ điều chỉnh tất cả các giống cây trồng và vật nuôi mới theo sự an toàn và đặc tính của từng sản phẩm mới được tạo ra, chứ không phải bằng kỹ thuật nào được sử dụng để tạo ra sự thay đổi.
Theo bà Cavendish, điều này có vẻ đúng đắn vì trong những năm 1990, chính bà đã ủng hộ các nhà môi trường phản đối GM. Nhưng ngày nay, các nhà khoa học mà bà từng trao đổi dường như đang sống ở một thế giới khác với thời kỳ “làm vườn nguyên tử”, khi những người cuồng tín dùng chiếu xạ thực vật để tạo ra đột biến, và có những lo ngại về việc “cà chua sát thủ” lai với cá.
Để giải thích cho công chúng về những đánh đổi thực sự sẽ là một công việc không hề đơn giản nhưng theo quan điểm cá nhân của bà Cavendish thì “tôi thà ăn một phiên bản chuối Cavendish đã được thay đổi một chút còn hơn là không bao giờ được ăn nữa”.
Kim Long
https://nongnghiep.vn/chung-ta-phai-vuot-qua-noi-so-hai-chinh-sua-gen-d294621.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã