Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Duyên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Trịnh Tiến Mạnh.
Ngay từ xa đã thấy vườn thanh long rộng lớn, với những quả thanh long chín đỏ, căng mọng. Từ sớm thương lái từ khắp mọi nơi tấp nập về đây mua hàng, tiếng cười nói làm náo động cả một vùng quê yên bình.
Chia sẻ với phóng viên DANVIET.VN, ông Mạnh mặt mừng, vội bắt tay khoe ngay: “Năm nay thanh long được mùa lại được giá, ước tính vụ thanh long năm nay tôi thu về khoảng 40 tấn quả, trừ hết chi phí thu về hơn 300 triệu đồng”.
Cũng như bao gia đình nông dân khác, trước kia cuộc sống của gia đình anh Mạnh cũng khá khó khăn. Thu nhập cả năm chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì” để thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương cứ mãi theo đuổi anh trong suy nghĩ.
Năm 2004, khi UBND xã Thụy Duyên phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3 ha vốn là diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình VAC. Ban đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi gia súc, gia cầm do giá cả sản phẩm xuống thấp, giá thành thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình anh lâm vào khó khăn, cạn vốn làm ăn.
Nhận thấy chăn nuôi bấp bênh, rủi ro cao nên anh chuyển sang nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu về những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều lần tìm hiểu thấy thanh long ruột đỏ là loại cây có nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản… hiệu quả kinh tế cao.
Để mua được cây giống, anh nhờ bạn bè đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đưa giống cây thanh long ruột đỏ này về trồng. Vốn ít và kinh nghiệm chưa có nên ban đầu anh trồng thử nghiệm hơn 600 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích gần 8 sào đất chuyển đổi. Do được chăm sóc bài bản nên các trụ thanh long phát triển tốt.
Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên gần 2 năm sau cây đã ra quả, tổng thu hơn 6 tấn quả, cộng với giá bán cao nên gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng”, anh Mạnh nhớ lại.
Thấy hiệu quả anh tiếp tục mở rộng diện tích, trong một lần tình cờ biết đến mô hình trồng thanh long bằng giàn ở Đài Loan theo công nghệ Israel. Anh Mạnh không quản tốn kém, sang tận nơi để học hỏi về để áp dụng cho vườn thanh long của gia đình.
Đầu năm 2014, anh đổ trụ bê tông sau đó ghép thành 320 giàn, mỗi giàn dài 2,5m và cao 1,2m để trồng thanh long ruột đỏ theo phương thức canh tác mới. Sau 3 năm những giàn thanh long mới trồng ngày nào đã xanh tốt, cành nào cành ý cũng to mập và thả đều ra 2 bên, năng suất cao hơn hẳn so với trồng bằng trụ bình thường.
“Trung bình mỗi năm tôi thu về hơn 40 tấn quả thanh long, giá cả dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Trồng thanh long rất nhàn, lại chắc ăn mà thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”, anh Mạnh chia sẻ.
Nói về ưu điểm trồng thanh long bằng dàn, anh Mạnh cho hay, trồng thanh long bằng trụ thì bão gió hay bị gãy đổ, chăm sóc và thu hái mất thời gian. Còn đối với cách trồng bằng giàn thì hoàn toàn ngược lại, bão gió thì hầu như không bị ảnh hưởng, năng suất cao gấp 1,5 lần. Đặc biệt công chăm sóc và thu hái tiết kiệm 50% sức lao động so với trồng bằng trụ.
https://danviet.vn/chuyen-la-thai-binh-u50-bat-thanh-long-bo-ngang-roi-cu-the-bo-tui-hang-tram-trieu-nam-20200722220704863.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã