Chiếc áo tơi từ bao đời nay đã được người nông dân Hà Tĩnh coi là "bảo bối", là chiếc "áo giáp" giúp bà con bảo vệ cơ thể khỏi thời tiết khắc nghiệt mỗi khi ra đồng. Những chiếc áo tơi được sử dụng như những "mái che" di động, là cách mà bà con sử dụng để chống lại cái nắng như thiêu như đốt trong những ngày hè oi bức.
Còn khi tới mùa đông, chiếc áo tơi lại trở thành "bảo bối" giúp người dân chống lại những cơn gió lạnh buốt sống lưng.
Bà Nguyễn Thị Hường, trú tại xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Nhà tôi làm 10 mẫu ruộng, những ngày này, đang cấy lúa hè thu mà thời tiết nắng nóng hơn những năm trước. May có chiếc áo tơi này mà những người nông dân như tôi mới đứng ngoài đồng làm việc được đến 9 - 10 giờ trưa như này.
Dù làm việc trên cạn hay dưới nước, chiếc áo tơi cũng được người dân mang trên lưng để giảm bớt nắng nóng, oi bức.
Không chỉ dùng để che nắng mà những chiếc áo tơi còn được người dân sử dụng để che mưa, chống lại gió rét trong những ngày mưa, gió mùa.
Chiếc áo tơi được chằm từ lá tơi, lá cọ và dây mây, mỗi chiếc áo tơi có diện tích khoảng 1m2.
Để làm chiếc áo tơi, người thợ xếp lá cọ lên một chiếc khuôn gỗ với diện tích 1m2, dùng 4 chiếc thước dài 1m để nẹp cho ngay ngắn. Chiềng tơi (sợi dây màu vàng bên tay phải) và dây thừng được nẹp vào để cố định chiếc áo tơi.
Mỗi chiếc áo tơi có độ dài khoảng 1m và rộng từ 80 - 90 cm.
Hết lớp lá tơi này được chồng lên lớp lá khác rồi được may cố định bằng dây mây chuốt mỏng đến khi đạt được độ dài quy định của chiếc tơi.
Cuối cùng, một chiếc áo tơi hoàn chỉnh sau khi uốn cho "khum" lại, phần đỉnh tơi được may chắc chắn bằng dây mây rồi buộc thêm dây thừng cố định với độ rộng đủ để choàng qua đầu. Tơi chằm xong, sẽ đem phơi thêm "vài nắng" rồi cuốn lại như sâu kèn.
Để tăng độ bền cho nững chiếc áo tơi, người dân sẽ may thêm phía ngoài chiếc áo tơi nhiều người đã tự may thêm những tấm bạt, những tấm vải từ phía bên ngoài.
Tại Hà Tĩnh, thôn Yên Lạc là nơi có truyền thống làm áo tơi bao đời nay. Ở đây những đứa trẻ 8 - 9 tuổi ở đây cũng có thể làm được chiếc áo tơi.
Để có nguyên liệu làm áo tơi, người dân phải đi vào rừng tại các khu vực rừng núi của Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn ... để lấy nguyên liệu.
Theo những người dân nơi đây, nếu có đầy đủ nguyên liệu, những người làm giỏi, mỗi ngày sẽ chằm được khoảng 5 - 10 áo tơi, còn người làm bình thường khoảng 3 - 4 chiếc. Thời điểm người dân chằm áo tơi nhiều nhất từ tháng 2 đến tháng 6.
Ông Nguyễn Minh Tân, 69 tuổi, trú tại thôn Yên Lạc người đã hơn 40 năm chằm áo tơi chia sẻ với DANVIET.VN: Nghề này tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, cần cù, tỷ mẩn vì phải qua nhiều công đoạn.
Công việc chằm áo tơi ở thôn cao điểm từ tháng 2 đến tháng 6 (âm lịch). Hiện những chiếc áo tơi được người dùng đặt tại nơi chằm áo hoặc bán tại các chợ với giá 50 - 100 ngàn tùy nơi.
Trò chuyện với DANVIET.VN, ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng thôn Yên Lạc cho biết: Từ bao đời nay cuộc sống của người dân Yên Lạc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và làm nghề chằm áo tơi truyền thống. Hiện toàn thôn có 194 hộ dân với khoảng 750 nhân khẩu.
Trước đây, có 100% hộ dân trong thôn đều làm nghề chằm áo tơi và chằm quanh năm. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ còn gần 100 hộ vẫn tiếp tục gắn bó với nghề chằm áo tơi và chỉ chằm vào mùa nắng. Nghề chằm áo tơi đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân chúng tôi.
Những năm trở lại đây, thời tiết nắng nóng gay gắt hơn nên nhu cầu sử dụng áo tơi lại tăng khá cao, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Theo Nguyễn Duyên/ Dân Việt
https://danviet.vn/ha-tinh-loai-ao-la-mua-he-la-bao-boi-chong-nang-mua-dong-bat-chap-gio-ret-20200717072233708.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã