Đưa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm vườn xen canh nghệ, chanh không hạt và sâm Bố chính, anh Phạm Văn Khang (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cúi xuống nhổ bật một gốc sâm.
Sau kiểm tra, anh Khang thấy cây sâm Bố chính trồng được 3 tháng đã ra hoa và cho củ bằng ngón tay út.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Khang cho biết 4 ha sâm bố chính trồng xen canh được anh liên kết với một đơn vị cung cấp giống cây sâm và cam kết bao tiêu sản phẩm củ sâm Bố chính.
Dù là loại cây lạ lần đầu trồng thử nghiệm nhưng sâm Bố chính sinh trưởng tốt trên vùng thổ nhưỡng, khí hậu xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
"Sâm Bố chính là loại cây ít phải chăm bón, thích hợp trồng xen canh với các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm. Ước tính, sâm Bố chính sẽ cho thu hoạch khi đạt tối thiểu 1 năm tuổi và cái hay của sâm Bố chính là có thể kéo dài thời gian thu hoạch đến 5 năm nên không sợ dội chợ hay cảnh được mùa mất giá..." – anh Khang phân tích.
Cùng trên diện tích này, "ở cùng" sâm Bố chính còn có cây chanh không hạt và cây nghệ thuốc. Sau thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng chanh tại các tỉnh miền Tây, anh Khang nhận thấy tiềm năng của chanh không hạt nên đã về phát triển giống cây này.
Cây chanh không hạt đã thay thế cho một phần diện tích trồng cây cà phê, cây hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, anh Khang cũng vận động một số người dân cùng trồng chanh không hạt với tham vọng sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu chanh không hạt với sản lượng đủ lớn, hướng tới xuất khẩu.
Tại xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) không chỉ là người có đam mê theo đuổi những giống cây trồng mới, tên tuổi của anh Phạm Văn Khang vốn gắn liền với cây khoai lang Nhật Bản.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp gian khó, năm 2002, anh Khang cùng bố mẹ từ tỉnh Tuyên Quang vào tỉnh Đắk Nông làm kinh tế mới.
Có sẵn nghề sửa xe máy và 3ha đất rẫy, vợ chồng anh đầu tư trồng cà phê. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", anh Khang chọn trồng 2 ha cây khoai lang Nhật Bản, một giống cây mới lạ tại địa phương thời điểm đó.
"Đất tốt, đất mới khoai lang Nhật Bản cũng là loại cây dễ trồng. Các cụ nhà ta xưa có câu: "Khoai đất lạ, mạ đất quen" tôi thấy đúng quá. Trong giai đoạn 2006 – 2013, giá khoai lang Nhật Bản luôn giao động từ 5.000 – 8000 đồng/kg, dỡ khoai lang đến đâu bán hết đến đó" – anh Khang kể lại.
Clip: Mô hình trồng cây sâm Bố chính trồng xen canh của gia đình ông nông dân tỷ phú Phạm Văn Khang, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Với thu nhập cao từ cây khoai lang Nhật Bản, anh Khang nhanh chóng đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ vào sự năng động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng luân canh, đổi vụ và tích góp từ sản xuất, kinh doanh, đến năm 2012, gia đình anh đã mua thêm được tới 45 ha đất nông nghiệp.
Từng thu tiền tỷ từ trồng khoai lang Nhật Bản, anh Khang luôn trăn trở về tương lai của giống cây này.
Anh cho rằng, hiện việc trồng khoai lang Nhật Bản đã bộc lộ nhiều bất cập: "Khoai lang Nhật Bản trồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) thơm, ngon nhưng chưa được nhận diện trên thị trường. Khoai lang Nhật Bản sau thu hoạch hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nhỏ, lẻ. Khoai lang bị ép giá nên không ít người dân chọn cách chuyển đổi sang cây trồng khác, không còn mặn mà như trước".
Theo anh Khang, không riêng với cây khoai lang Nhật Bản, vài năm gần đây, người dân tại địa phương vẫn loay hoay chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giữa bối cảnh cà phê, hồ tiêu rớt giá, không ít người đã "sa lầy" với các giống cây được cho là "độc, lạ"...
Được biết, năm 2018, gia đình anh được Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở Khoa học – công nghệ khảo sát, đầu tư trồng thử 1ha cây sachi.
Theo đó, anh Khang bỏ tiền túi trồng thêm 3 ha cây sachi. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, anh Khang nhận thấy sachi không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì lượng nước tưới gấp 3 lần so với cây cà phê, cộng với giá bán hạt sachi "tuột dốc" từ 120.000 đồng/ký quả khô xuống còn 10.000 đồng/ký.
Ang Khang đành bỏ cây sachi dù đã đầu tư hàng chục triệu đồng tiền mua cây giống, phân bón và công chăm sóc.
Qua những lần thử sức với nhiều loại cây trồng, hiện tại, anh Phạm Văn Khang đang phát triển mô hình đa canh trên tổng diện tích 60 ha.
Các giống cây chủ lực anh đang trồng vẫn là cà phê, hồ tiêu và một số loại cây ăn trái thế mạnh như sầu riêng, bơ…
Trên các vùng đất đồi, anh Khang xen canh thêm nhiều loại cây dược liệu, cây ngắn ngày để vừa tận dụng quỹ đất, vừa chống xói mòn. Cũng theo anh Khang, các loại cây trồng mang tiếng là "phụ" nhưng hiện mang lại thu nhập rất khá.
Với diện tích lớn, không tập trung, anh Khang hợp tác với 15 nông hộ tại huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) để cùng phát triển sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động phổ thông.
Năm 2019, gia đình anh Phạm Văn Khang, (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) thu về gần 1 tỷ đồng lợi nhuận từ trồng "lung tung" các loại cây từ cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, nghệ thuốc...
Nguồn thu từ trang trại trồng xen canh của gia đình ông tỷ phú nông dân Phạm Văn Khang sẽ tăng trong các năm sắp tới với với những cây trồng mới như sâm Bố chính, nghệ thuốc; năng suất vườn cây ăn trái tăng khi vào chu kỳ khai thác trái tốt nhất...
Từ năm 2012, anh Phạm Văn Khang thường xuyên nhận được Bằng khen của UNBD tỉnh Đắk Nông, giấy khen Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Năm 2017, anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Năm 2018, anh vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, anh Phạm Văn Khang được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)
Vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Phạm Văn Khang còn là một cán bộ Hội nông dân năng nổ. Theo ông Ngô Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), nhiều năm qua, anh Phạm Văn Khang là một Chi hội trưởng chi hội nông dân có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Hội, phát triển hiệu quả số lượng và chất lượng hội viên.
"Với mô hình trang trại trồng xen canh hiệu quả bền vững, anh Phạm Văn Khang đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, gia đình anh thường xuyên ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn và hưởng ứng các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao, các chương trình từ thiện, an sinh xã hội ở địa phương..."
ông Ngô Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã