Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh nổ lực hoàn thành lắp thiết bị giám sát hành trình VMS góp phần gỡ bỏ thẻ vàng Châu Âu hướng tới phát triển bền vững

Thứ bảy - 30/10/2021 10:12
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên là một yêu cầu bắt buộc, giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát hành trình và sự cố đối với tàu cá khi hoạt động trên biển. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không ít chủ tàu đã chần chừ lắp đặt, hoặc lắp đặt nhưng cố tính ngắt kết nối để trốn tránh sự kiểm soát. Trước thực tế này, Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ngay trong tháng 10 này như yêu cầu mà Ban chỉ đạo của tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) đã để ra.

Vừa trở về đất liền sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, anh Lê Văn Hảo ở xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh được cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, UBND xã Kỳ Ninh đến tận tàu để tuyên truyền, vận động lắp đặt thiết bị  giám sát hành trình VMS. Đồng thời, phổ biến những quy định của nhà nước Việt Nam và thông tin về những quy định, hình thức xử phạt của các nước trong khu vực khi tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển. Qua kiểm tra và xác định tàu cá của anh Hảo có chiều dài 15m trở lên, bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình.

Tàu anh Lê Văn Hảo đang được lắp thiết bị giám sát hành trình VMS

Anh Lê Văn Hảo cho biết: “Lâu nay tôi chưa hiểu hết những lợi ích mà thiết bị giám sát hành trình (VMS) mang lại nên cứ nấn ná chưa lắp. Nay được sự tuyên truyền vận động của lực lượng chức năng và sự hỗ trợ 70% kinh phí mua thiết bị của tỉnh, tôi sẵn sàng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi”.

Theo ông Trần Ngọc Phú, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thị xã Kỳ Anh được biết, Xã Kỳ Ninh thị xã Kỳ Anh hiện có 9 tàu cá từ 15 m trở lên phải gắn  thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt khơi xa, năm 2020  đã lắp được 6 tàu, còn 3 tàu thời gian vừa qua do dịch Covid-19 nên chưa lắp đặt. Hiện nay, xã đang tập trung vận động các chủ tàu lắp đặt xong trước tháng 10 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Hiện nay, Hà Tĩnh đã lắp đặt được trên 85% tổng số tàu cần lắp thiết bị VMS

Những năm gần đây, nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp nhiều khó khăn, riêng năm 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 cũng gây nhiều bất lợi cho khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, để lắp đặt thiết bị VMS ngoài tiền mua thiết bị từ 20 - 30 triệu đồng/máy thì ngư dân còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 - 385.000 đồng/máy (tùy thuộc loại thiết bị). Do đó, Hội đồng nhân dan tỉnh đã có Nghị quyết 123  hỗ trợ 70% không quá 20 triệu đồng kinh phí mua, lắp thiết bị VMS là rất cần thiết, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời giúp các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng chống khai thác IUU.

Để quản lý chặt chẽ phương tiện khai thác hải sản, hiện Thị xã Kỳ Anh đã có thống kê, triển khai kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá. Theo đó, thị xã có 62 tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và đến nay đã có 52 tàu cá đã được lắp đặt. Với 10 tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thị xã Kỳ Anh phấn đấu thực hiện xong trước 30 tháng 10.

Theo các chủ tàu cá, khó khăn lớn nhất hiện nay là sau khi lắp đặt xong do tỉnh ta chưa có Trung tâm kiểm định cấp giấy phép nên phải sang các tỉnh như Nghệ An và Quảng Bình để kiểm định nên mất thời gian. Ngoài ra, một số chủ tàu cá chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với hoạt động khai thác trên biển cũng như trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển nên chưa tự giác lắp đặt.

Trong thời gian tới, để duy trì, phát huy hiệu quả các thiết bị giám sát hành trình đã được hỗ trợ, trang bị cho các tàu cá, đồng thời thực hiện tốt quy định về chống khai thác IUU, các ngành, đơn vị chức năng, chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND các xã, phường ven biển tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó sử dụng hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở để thông tin, phổ biến tới người dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các quy định về chống khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng tuyến biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu cá xuất bến, kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các tàu vi phạm về chống khai thác IUU.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá nhằm quản lý hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu EC về chống khai thác bất hợp pháp. Nếu không tuân thủ thì sẽ làm gia tăng nguy cơ kéo dài thời hạn cảnh báo thẻ vàng châu Âu, thậm chí là sẽ bị phạt thẻ đỏ. Tính năng chính của thiết bị giám sát hành trình tàu cá là xác định vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet; xác định vận tốc của tàu theo từng thời điểm; giám sát hoạt động đóng, mở cửa tàu; giám sát tắt, mở động cơ; cảnh báo tín hiệu SOS khi tàu gặp sự cố; cảnh báo vào ra vùng giám sát và có báo cáo chi tiết; lưu lại lộ trình di chuyển của tàu.

Hà Tĩnh bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm giám sát tàu cá từ đầu năm 2019. Các đơn vị tham gia cung cấp thiết bị và kết nối với hệ thống là Viễn thông Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh, Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh. Ngoài việc triển khai lắp đặt, các đơn vị đã hướng dẫn cụ thể sử dụng thiết bị cho ngư dân để sử dụng hiệu quả thiết bị khi xa khơi đánh bắt thủy sản.

Ông Nguyễn Tông Thắng- Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay: Triển khai thực hiện Kế hoạch số 189 ngày 15/9/2021 của Ban Chỉ đạo IUU tỉnh về khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp và thiếu trách nhiệm, các địa phương đã nêu cao quyết tâm hoàn thành việc lắp đặt đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trước ngày 30/10/2021. Tuy nhiên, đến nay mới có 97 tàu cá đã lắp đặt. Hiện vẫn còn 16 tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS, trong đó:  3 tàu cá đã có cam kết nằm bờ chờ bán, chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động sản xuất, còn lại 13 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt nhưng còn trù trừ. Chi cục Thủy sản đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, xem đây là yêu cầu cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay.

Theo luật thủy sản 2017, chính thức có hiệu lực từ năm 2019,  nếu các chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị thu hồi giấy phép, không cấp phép khai thác thủy sản, không cho xuất bến hoạt động trên biển. Mức xử phạt phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và từ 500 - 700 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên. Vì vậy lắp đặt giám sát hành trình vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi một ngư dân trong việc góp phần gỡ bỏ thẻ vàng châu Âu, mở đường cho nghề cá Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.

Nguyễn Hoàn/https://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập251
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay29,861
  • Tháng hiện tại687,930
  • Tổng lượt truy cập90,751,323
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây