Chiều 30/5, thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho biết, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Du lịch Hải Phòng liên hệ, làm việc cụ thể với Viện Kỷ lục Việt Nam để thực hiện việc đề cử Gạo ruộng rươi Kiến Thụy là đặc sản Hải Phòng tham gia hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP đặc sản Việt Nam 2020.
Gạo ruộng rươi đang được xem là 1 đặc sản của Hải Phòng, ngoài thế mạnh là gạo “sạch”, giá trị dinh dưỡng cao, gạo này được đánh giá tốt cho sức khỏe, nhất là những người ăn kiêng. Đây là sản phẩm từ mô hình sản xuất dựa trên môi trường cộng sinh đặc biệt của rươi và cây lúa.
Sản phẩm này được đẩy mạnh sản xuất tại huyện Kiến Thụy từ năm 2017, thóc được sản xuất vào vụ Xuân và vụ mùa hàng năm theo công thức luân canh (Lúa xuân - đất nghỉ - thu rươi; đất nghỉ - lúa mùa - thu rươi). Do đặc thù loài rươi nên lúa trên ruộng rươi hoàn toàn không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật. Điều kiện sinh trưởng hoàn toàn là hợp chất hữu cơ tự nhiên. Giống lúa chọn lọc khoẻ tự nhiên, do vậy rất được thị trường ưa chuộng. Thông qua việc trồng lúa, sản lượng rươi cũng tăng lên, người dân đồng thời thu được 2 loại đặc sản trên 1 diện tích canh tác cố định.
Lúa trồng trên ruộng rươi có năng suất không cao, chỉ đạt đạt khoảng 2,7 tấn/ha, bằng 1/3 ruộng canh tác thông thường, nhưng bù lại thu nhập từ rươi gấp 20 lần thu nhập từ lúa. Ngoài lúa, trung bình 1ha ruộng rươi - lúa thu được 300-500kg rươi.
Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Hương, cho biết: Hiện tại HTX đang có hơn 100ha trồng lúa trên ruộng rươi. Sản phẩm gạo ruộng rươi Kiến Thụy được UBND TP Hải Phòng chọn đề cử là đặc sản Hải Phòng tham gia hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP đặc sản Việt Nam 2020 quả thực là điều mà bà Hà và người dân canh tác mô hình này mong chờ.
“Bấy lâu nay sản phẩm tốt như vậy mà không ai quan tâm để nâng tầm gạo ruộng rươi lên thì việc này sẽ giúp cho sản phẩm được nâng tầm, được nhiều người biết đến, không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới. Chắc chắn người dân sẽ được lợi và lợi thế của hàng nghìn ha ruộng, đầm đang khai thác rươi sẽ phát huy hết tiềm năng, giá trị", bà Hà chia sẻ.
Hiện tại, Hải Phòng có diện tích đất ngoài đê thích hợp với sản xuất lúa – rươi khoảng 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy. Cũng theo bà Hà, tiềm năng để trồng lúa trên ruộng rươi ở Hải Phòng rất lớn, nhưng chưa triển khai hết. Để bà con quan tâm sản xuất lúa rươi thì sản phẩm này phải được người dân cảm nhận rõ là đặc sản, giá trị kinh tế mang lại phải thật sự khác biệt so với các sản phẩm nông nghiệp khác.
ĐINH MƯỜI/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã