Nếu ai đã từng có dịp ghé thăm xã Thung Nai, được lênh đênh trên dòng sông Đà thơ mộng sẽ khó có thể quên được hình ảnh về một miền núi non sơn cước hữu tình, với những con người đôn hậu, thật thà, chất phác bao đời nay vẫn dựa vào sông nước để sinh tồn.
Các TP. Hòa Bình chừng 20km, trước đây, để vào đến Thung Nai là điều không hề dễ dàng, giao thông chủ yếu là đường đất. Bí thư Đảng ủy xã Thung Nai, Bùi Văn Thoa bảo: "Mỗi lần mưa xuống là bùn, đất nhầy nhụa, đi lại rất khó khăn. Nếu cán bộ xuống thị trấn Cao Phong để họp, hay người dân ra thành phố Hòa Bình thì cũng mất cả vài tiếng đồng hồ".
Nhưng từ đầu năm 2020, con đường để vào Thung Nai đã được khoác lên mình một "chiếc áo" mới. Đường đã được trải bê tông, xe của chúng tôi cứ gọi là chạy bon bon.
Mới chuyển về công tác ở xã Thung Nai được hơn 1 năm, trong xuyên suốt buổi trò chuyện, anh Thoa luôn dành nhiều lời khen ngợi về một người cán bộ cấp dưới của mình, đó là anh Bùi Văn Chức, Phó Chủ tịch Hội ND xã Thung Nai – một cán bộ nông dân đích thực ở xứ Mường.
"Vừa mới đây thôi, anh Chức đã tự nguyện hiến 200m2 đất của gia đình để xã xây trường mầm non. Đây là việc làm rất đáng khen ngợi, là tấm gương để hội viên nông dân noi theo" – anh Thoa chia sẻ.
Anh Thoa vừa rót chén trà mời khách đường xa (PV), thì cũng đúng lúc anh Chức đến trụ sở Ủy ban xã. Hôm nay, anh Chức sẽ là "hướng dẫn viên du lịch" cho chúng tôi.
Không để chờ lâu, anh Chức liền dẫn chúng tôi ra bến phà, lên chiếc thuyền chạy máy dầu để tìm hiểu về mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Đà của người dân xã Thung Nai.
Trên chiếc thuyền có 4 người, anh Chức, tôi cùng một đồng nghiệp và một phụ nữ chèo thuyền tuổi đã ngoài ngũ tuần. Khi thuyền ra đến giữa dòng những con sóng cứ dập dờn vỗ vào hai mạn thuyền, đưa tay chạm xuống dòng nước xanh ngắt như ngọc, mát lạnh làm tôi mê mẩn đến lạ.
Ngồi tựa mạn thuyền, anh Chức nói: "Ở xứ Mường này, bà con chủ yếu sống dựa vào lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Khi chưa có đập để ngăn dòng, thì sông Đà dữ dội lắm, vào mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn cứ ào ào đổ về, lồng bè làm bằng tre, nứa của bà con bị cuốn đi hết".
Nhưng từ khi xây đập, ngăn dòng, nước dâng lên cả trăm mét thì sông Đà đã hiền hòa hơn. Người dân ở xã Thung Nai và những xã nằm ven sông Đà đã có cơ hội phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Đặc biệt, là dựa vào lòng hồ thủy điện Hòa Bình để làm du lịch.
Đã có nhiều năm công tác ở Hội ND xã Thung Nai, điều làm anh Chức vẫn nhớ nhất cho đến tận ngày hôm nay, đó là những ngày đến từng nhà dân để vận động hiến đất để xây dựng hạ tầng giao thông, trường học trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Ngày nào cũng vậy, anh Chức cùng một số cán bộ xã đi "gõ" cửa từng nhà, vận động bà con hiến đất.
Anh Chức bảo: "Ở Thung Nai với hơn 90% là người dân tộc Mường, nên trình độ và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Để bà con hiểu được việc hiến đất là thiết thực thì phải đến tận nhà làm công tác dân vận, phân tích để người dân hiểu, rồi từ đó làm theo".
Và để người dân có thể thấy được việc hiến đất có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, bản thân anh Chức đã là người tiên phong, khi gia đình anh đã tự nguyện hiến 200m2 đất cho UBND xã để có quỹ đất xây trường học.
Sau việc làm của anh Chức, nhiều hộ dân ở xã đã học tập, làm theo. Đến nay, đường giao thông, trường học ở xã Thung Nai đã được nâng cấp lên rất nhiều, đường xá rộng thênh thang, trường học được xây mới khang trang hơn.
Hội viên nông dân, Nguyễn Xuân Sang, xóm Nai, xã Thung Nai chia sẻ với chúng tôi rằng: "Anh Chức là một người cán bộ gương mẫu, tận tình với công việc. Đây là tấm gương mà hội viên nông dân trong xã cần học tập, làm theo. Việc tự nguyện hiến đất để xây trường học được bà con nhân dân nể phục".
Điều làm chúng tôi càng thêm thán phục việc làm của anh Chức, đó là, gia đình anh cũng không lấy gì làm khá giả nhưng anh vẫn tự nguyện hiến đến 200m2 đất. Ngôi nhà sàn của gia đình anh đang ở cỡ vài chục năm tuổi, xuống cấp, rêu mốc bám quanh.
Vợ chồng anh Chức sinh thành được 2 người con, nhưng chúng đều ra thành phố làm thuê, làm mướn, thu nhập một tháng được vài triệu đồng cũng chỉ đủ lo trang trải cuộc sống cho riêng chúng.
Thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh Chức quanh năm, suốt tháng chỉ trông chờ vào đàn lợn, đàn gà...có mấy sào đất trồng mía thì mấy năm nay giá thấp nên thu về chả đáng là bao.
Bí thư Đảng ủy xã Thung Nai, Bùi Văn Thoa bộc bạch: "Mặc dù, gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng anh Chức luôn tâm huyết với công tác Hội ND. Việc làm của anh là tấm gương sáng cho hội viên nông dân xã, người dân noi theo".
Theo Minh Ngọc
https://danviet.vn/hoa-binh-mot-pho-chu-tich-hoi-nong-dan-xa-lam-nhung-viec-gi-ma-ai-ai-o-day-cung-cam-phuc-20210515102735081.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã