Những ngày nắng nóng vừa qua, nhiệt độ tăng cao trên 33 độ C, trong khi đó, tôm sinh trưởng và phát triển tốt trong khoảng 26 - 32 độ C nên sẽ làm tôm hoạt động nhiều, mất nhiều năng lượng, chất thải sẽ thải ra nhiều hơn bình thường, khi đó dẫn đến thiếu oxy về đêm, vi khuẩn phát triển nhanh, tôm chậm lớn và có thể dẫn đến những thiệt hại nặng nề khác nếu không có biện pháp quản lý ao nuôi tốt. Nắng nóng kéo dài còn làm biến động môi trường ao nuôi, các chỉ số môi trường thay đổi đột ngột (nhất là độ pH và nhiệt độ nước). Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tôm, khiến tôm bị sốc môi trường sức khỏe suy yếu và dễ bùng phát dịch bệnh. Vì thế, trong thời gian này, bà con phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tôm và tập trung làm tốt công tác quản lý ao nuôi một cách chặt chẽ.
Đối với tôm nuôi, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, tôm sẽ bị thiếu ôxy về đêm, bằng cách nhận biết như: tôm có hiện tượng bơi lưng chừng nước, một số con yếu sẽ bơi lên mặt, nếu gặp lúc tôm đang lột xác thì sẽ nguy hiểm hơn, tôm sẽ chậm cứng vỏ, nổi mặt và bị hao hụt do tôm bị chết… đồng thời, vi khuẩn phát triển nhanh và nhiều, điều này biểu hiện qua các hiện tượng nước phát sáng, tôm bị đứt râu, đường ruột không tốt, phân lỏng, xốp, phân trắng… và hiện tượng tảo bị tàn rất nhanh, có nhiều bọt không tan khi chạy quạt, cuối gió có nhiều váng bọt dơ bẩn, trong nước có nhiều hạt lơ lửng,… nó sẽ cản trở tôm ăn không mạnh, ăn không lên lượng, nếu kéo dài sẽ làm tôm ốp, chậm lớn.
Trước tình hình đó, bà con cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp chống nóng và quản lý ao nuôi như: phải giữ mực nước thích hợp trong ao nuôi từ 1,5 mét trở lên để ổn định hơn nhiệt độ trong ao nuôi giữa ban ngày và ban đêm; bà con cần thường xuyên kiểm tra môi trường nước, khi pH cao và nước trong ao có màu đậm cần tiến hành thay 20% lượng nước trong ao hoặc cấp thêm nước vào ao nuôi, quản lý đáy sạch không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định có độ trong khoảng 20 - 25cm, trong nước ít chất lơ lửng, có ít bọt tàn; diệt khuẩn nước và cho ăn thuốc khi phát hiện nước dơ và tôm nhiễm khuẩn. Cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề cho tôm đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh định kỳ giúp ổn định môi trường và hạn chế các khí độc bùng phát trong ao nuôi phòng tránh những bệnh nguy hiểm trên tôm nhất là bệnh hoại tử gan tụy.
Ngoài ra, với thời tiết về mùa này thường xuất hiện những cơn mưa giông bất thường và điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: nước mưa cuốn trôi phèn từ bờ xuống ao làm giảm pH, nhiệt độ nước ao phân tầng,… thời tiết thay đổi thất thường khiến tôm dễ bị suy yếu, khả năng miễn dịch kém và chết đột ngột. Vì thế, trước khi mưa, bà con cần rải vôi xung quanh bờ ao, sử dụng quạt nước hoặc bơm đảo nước trong ao để chống sự phân tầng của nước. Chủ động tháo nước tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao. Khi nước ao nuôi bị đục, pH giảm cần hòa vôi bột (CaCO3) té đều trên khắp mặt ao và bờ ao để ổn định pH nước ao nuôi và làm giảm độ đục của ao với lượng 15 - 20 kg/100 m2; nên cho tôm ăn vào lúc thời tiết mát mẻ, tuyệt đối không cho ăn khi trời mưa to hay nhiệt độ cao trên 32 độ C, chỉ cho tôm ăn khoảng 70 – 80% lượng thức ăn hằng ngày và tăng lượng thức ăn vào cữ ăn khi trời mát.. Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra sàng, hoặc lặn đáy, đánh giá tỷ lệ sống để ước lượng thức ăn chính xác, phù hợp, tránh tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Chúc bà con có một vụ nuôi tôm thắng lợi./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã