Học tập đạo đức HCM

Hội thảo trực tuyến: "Phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất"

Thứ tư - 09/06/2021 06:26
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 8/6/2021.. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo trực tuyến có đại diện lãnh đạo, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về đất đai.Hội thảo “Phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất” nhằm trao đổi, thảo luận về những thành tựu đã đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế, trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tìm ra những định hướng phát triển mới cho thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, Ban Kinh tế trung ương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước. Một trong những nội dung quan trọng là xem xét thiết lập thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực đất đai đồng bộ với hệ thống thể chế mới của nền kinh tế. Do đó cần có sự tổng kết, đánh giá về quyền sử dụng đất, bất động sản trên đất mà trọng tâm là làm rõ vướng mắc về cách tiếp cận, cơ chế, chính sách đang cản trở làm “méo mó” thị trường, từ đó đề xuất để thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, trở thành kênh chính để phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng hàng đầu của quốc gia.

Một số định hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT (Bộ TN&MT), thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, các quan điểm, định hướng chỉ đạo, đặc biệt là liên quan đến sở hữu đất đai, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất,... đã được chế định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992) tại Điều 53 và Điều 54.

Cụ thể, Điều 53 quy định đất đai, tài nguyên nuớc, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 54 Hiến pháp quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển như: Đã hoàn thiện thể chế cho thị trường sơ cấp giữa Nhà nước và các bên có liên quan thông qua quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cung đất ra thị trường; quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để lựa chọn nhà đầu tư; việc giao đất theo hình thức đấu giá công khai minh bạch; quy định xác định giá đất cụ thể khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, hoàn thiện thể chế cho thị trường thứ cấp giữa các chủ thể tham gia là hoàn thiện quy định về các quyền của nguời sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện các quyền; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận để tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường; thiết lập cơ chế tư vấn định giá đất, hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công để hỗ trợ cho hoạt động của thị trường.

Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư, nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về giao dịch bảo đảm, đặc biệt là việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, việc xử lý nợ của các công ty mua bán nợ... đã được quan tâm quy định cụ thể nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sự phát triển của thị trường giao dịch quyền sử dụng đất như: còn nhiều giao dịch chưa được đăng ký, giá giao dịch chưa phản ánh chính xác giá chuyển nhượng thực tế, còn tình trạng đầu cơ, bao chiếm đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, xử lý tài sản thế chấp gặp khó khăn.

Về đề xuất một số định hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết, các nước phát triển trên thế giới đều quản lý tài nguyên từ tâm trái đất tới hết tầng khí quyển. Quản lý tài nguyên quốc gia dựa trên dữ liệu không gian (spatial data) dựa trên nền địa lý quốc gia, hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia NSDI (National spatial Data Infrastructure) và nền địa chính quốc gia NDCD (National Digital Cadatral Database). Quyền đối với mọi nguồn tài nguyên quốc gia đều được lưu trữ đặc tính theo cơ sở dữ liệu thuộc tính truyền thống và tọa độ theo cơ sở dữ liệu không gian GIS (Global Information System)

Về phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai cần làm rõ chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai theo không gian sử dụng bao gồm quyền bề mặt quy định tại Điều 267 Bộ luật dân sự đối với mặt đất, mặt nước, thềm lục địa, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc chủ quyền lãnh thổ có đối tuợng điều chỉnh là các công trình, tài nguyên trong phạm vi không gian đã được Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan xác định.

Cần rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung uơng tới địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giá đất, chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất để điều chỉnh cho phù hợp với năng lực thực hiện của đối tuợng được phân cấp đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất của nhà nước về quyền đối với đất đai và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nuớc.

Tăng cường đầu tư nguồn lực để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hũu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền sử dụng đối với đất có chế độ sử dụng đất hỗn hợp đáp ứng nhu cầu của nguời sử dụng đất, thiết lập khung khổ pháp lý cho các quyền đối với đất đai chưa đuợc quy định.

Xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch quyền đối với đất đai, bất động sản, đăng ký tài sản thế chấp, đăng ký giá giao dịch, đăng ký quyền sử dụng hạn chế như khu vực bãi bồi, khu vực đất ngập nuớc theo mùa thuộc công trình thủy lợi, thủy điện; hạ tầng công trình ngầm, cáp điện, khu vực hành lang an toàn đi qua đất giao tổ chức, cá nhân; công trình ngầm hoặc trên không của tổ chức, cá nhân trong phạm vi đất công cộng.

Đổi mới cơ chế điều tiết giá trị tăng thêm từ đất bằng cách lập bản đồ giá đất trước khi lập quy hoạch, sau khi lập quy hoạch, sau khi xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, thực hiện thu hồi đất vùng phụ cận, điều chỉnh đất đai, dồn điền, đổi thửa tại đô thị để tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi.

Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, thông qua mô hình ngân hàng đất đai, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người có đất bị thu hồi trước khi bồi thường, giải tỏa, đảm bảo phuơng thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho nguời có đất bị thu hồi. Cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Ứng dụng công nghệ vào xác định giá đất, tới từng thửa đất, thực hiện đăng ký giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất đấu giá, giá đất đấu thầu, giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá đất cụ thể, giá đất giao dịch thực tế, và giá đất đăng ký làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về giá đất, từng bước đổi mới phương pháp xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh theo phương pháp thị trường…

Sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vướng mắc trong việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển các thị trường này hoàn thiện hơn.

Đồng thời cho rằng, thị trường đất đai bất động sản ngày càng phát triển, tuy nhiên còn sự phát triển chưa thực sự bền vững, còn tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định. Do đó, cần có những rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương tới địa phương; hoàn thiện hệ thống định giá đất…

Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá cao các tham luận và ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã góp ý vào nội dung phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có ý kiến góp ý về nội dung này để Ban Kinh tế tổng kết, đánh giá khách quan phục vụ và có những giải pháp, kiến nghị phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW.

Trường Giang
https://monre.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay33,762
  • Tháng hiện tại1,026,302
  • Tổng lượt truy cập91,089,695
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây