Chiều 9/6, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thăm các cơ sở sản xuất nằm trong chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội như HTX chăn nuôi lợn kiểm soát từ giống đến khi nuôi, giết mổ và cho ra thị trường hay cơ sở sản xuất trứng gà để đánh giá về chỉ tiêu vệ sinh ATTP.
Tại Công ty CP Tiên Viên chuyên sản xuất trứng, Giám đốc Đặng Đình Tiên cho biết, hiện nay, công ty có 30 chuồng trại chăn nuôi, liên kết với các hộ sản xuất khác ở địa phương. Sản phẩm trứng sau khi thu gom theo ngày sẽ được sát khuẩn bằng hệ thống ozone và tia cực tím, sau đó sẽ sơ chế, đóng gói và vận chuyển ngay trong ngày.
Để nâng cao hiệu quả vệ sinh ATTP trong sản xuất, công ty thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, quy trình khép kín, nghiêm ngặt từ đầu vào cho đến đầu ra.
Về quy mô, Công ty CP Tiên Viên đang có gần 80.000 con gà, bao gồm cả liên kết với các hộ chăn nuôi, sản lượng mỗi ngày thu hơn 80.000 quả trứng để cung cấp cho các nhà máy và siêu thị ở Hà Nội.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong dịch Covid-19, trong quá trình sản xuất, công ty đã tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ công nhân viên, thực hiện phòng dịch theo Quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Khi công nhân vào nhà xưởng đều phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và đi qua khu vực sát khuẩn. Tại trang trại, với diện tích từ 1.000 - 1.300 m2, công ty chỉ duy trì 3 công nhân làm việc và luôn tuân thủ các quy định phòng dịch.
Sau khi đi thăm các mô hình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, các HTX này đề có chu trình sản xuất khép kín, chặt chẽ và đảm bảo tốt vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, các HTX này cần cải thiện một số vấn đề như tem mác, chỉ dẫn địa lý để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tìm phương án kết nối các tập đoàn bán lẻ để đảm bảo được đầu ra cũng như chất lượng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
“Theo tôi, để đảm bảo được yêu cầu của thị trường và sản xuất nông sản theo hướng gia tăng chất lượng, gia tăng giá trị, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt với các HTX, các cơ sở sản xuất để hình thành các chuỗi cung ứng nông sản ATTP”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố giai đoạn 2015-2020 vẫn còn một số tồn tại như phát triển các chuỗi chưa đồng đều giữa các địa phương và các mùa vụ.
Bên cạnh đó, việc tổng hợp, kết nối thông tin giữa các tỉnh với Hà Nội đang còn gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được hệ thống logicstic hoàn chỉnh để tiêu thụ được nông sản từ các tỉnh ổn định.
Để phát triển chương trình giai đoạn 2020-2025, mục tiêu Sở NN-PTNT Hà Nội đưa ra là đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Khi đạt được những mục tiêu trên, sẽ tiến tới đẩy mạnh giao thương thực phẩm là nông lâm thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô cũng như các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, trong 5 năm tới, Sở NN-PTNT Hà Nội phấn đấu gia tăng tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi cung ứng tối thiểu 10%/năm và giá trị chuỗi cung ứng cũng tăng tối thiểu 10%/năm.
Ngoài ra, mục tiêu dành cho số sản phẩm thực phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể/thương hiệu quốc gia, quốc tế cũng tăng 10%/năm. Đặc biệt, phấn đấu mỗi năm có 1-2 sản phẩm được quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Tùng Đinh - Quang Dũng
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã