Căn cứ kết quả kiểm tra môi trường và kết quả phân tích mẫu tôm tự nhiên, Chi cục Thủy sản đã có văn bản số 90/TS-NTTS ngày 15/3/2021 về việc thông báo kết quả kiểm tra môi trường các vùng nuôi tôm, theo đó chi cục đã thông báo kết quả kiểm tra và khuyến cáo đến các địa phương, cơ sở có nuôi tôm một số nôi dung như sau:
1. Nhận xét chung các vùng nuôi tôm
- Tại thời điểm kiểm tra về cơ bản ở các vùng nuôi, người dân bắt đầu tiến hành cải tạo ao hồ như tháo nước, nạo vét đáy ao, phơi ao, tu sửa cống, bờ ao,... để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm năm 2021. Phần lớn người dân đã có ý thức và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ đảm bảo trước khi thả giống theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn địa phương.
- Nhìn chung các vùng nuôi người dân đang cải tạo, tháo nước, nạo vét đáy ao, phơi ao, tu sửa cống, bờ ao, nâng cấp, gia cố ao đầm nuôi để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Một số vùng nuôi trên cát các hộ dân bắt đầu thả giống (chiếm khoảng 20% diện tích nuôi), các vùng ao đất hầu hết đang giai đoạn cải tạo (số rất ít thả giống từ trong năm nuôi qua đông), tại xã Kỳ Thọ đã có một số hộ tranh thủ thời gian nắng ấm, cải tạo sớm và đã thả giống sớm (khoảng 5 ha).
- Các vùng nuôi trên cát trên địa bàn toàn tỉnh có cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm khá đồng bộ từ hệ thống điện, ao chứa lắng, kênh cấp thoát, giao thông, đảm bảo nuôi tôm thâm canh như vùng nuôi Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Liên, Cương Gián (Nghi Xuân), Thạch Trị (Thạch Hà), Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX. Kỳ Anh),... Một số hộ nuôi trên cát tại các vùng như Xuân Phổ, Cương Gián, huyện Nghi Xuân; Thạch Hải, Thạch Trị huyện Thạch Hà, Kỳ Nam, Kỳ Phương thị xã Kỳ Anh đã đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm 2-3 giai đoạn theo công nghệ cao. Đến thời điểm hiện nay, nhiều hộ đã tiến hành thả giống.
- Các vùng nuôi ao đất đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, nuôi trong nhà có mái che, nuôi trong bể tròn,... (Vùng nuôi TT Lộc Hà, Thạch Châu, Hộ Độ huyện Lộc Hà; vùng nuôi Thạch Bàn huyện Thạch Hà, Kỳ Thư, Kỳ Thọ huyện Kỳ Anh,...).
- Hệ thống ao hồ một số hộ tại vùng nuôi Thạch Hưng, Đại Nài (TP Hà Tĩnh); Đan Trường, Xuân Hội, Cương Gián (Nghi Xuân); Kỳ Trinh (TX. Kỳ Anh), Bắc Hải - Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh); Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên)... diện tích ao lớn (1-2 ha), ao hồ xuống cấp, độ sâu thấp, bờ ao không chắc chắn, trong thời gian dài chưa được đầu tư nâng cấp, các hộ nuôi chủ yếu sử dụng nuôi quảng canh, nuôi xen ghép,... Vì vậy khó áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất. Những vùng này chỉ phù hợp hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Để nâng cao hiệu quả nuôi tôm trong thời gian tới, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống ao hồ đảm bảo phục vụ sản xuất.
2. Kết quả kiểm tra môi trường và mầm bệnh tôm tự nhiên
- Tiến hành kiểm tra môi trường tại 32 vùng nuôi tôm tập trung với các chỉ tiêu như độ sâu ao, pH đất, độ mặn, pH nước. Kết quả kiểm tra cho thấy các thông số quan trắc một số chỉ tiêu đầu vụ nuôi đều đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT; QCVN 10-MT:2015/BTNMT và QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
- Thu 32 mẫu tôm tự nhiên tại 25 vùng nuôi tôm tập trung thường xảy ra dịch bệnh trong toàn tỉnh để kiểm tra mầm bệnh đốm trắng, kết quả tất cả các mẫu tôm thu được đều cho kết quả âm tính.
- Kết quả quan trắc định kỳ chất lượng môi trường và dịch bệnh đầu tháng 3 tại 03 điểm Xuân Phổ - Nghi Xuân; Hộ Độ - Lộc Hà; Kỳ Hà - Thị xã Kỳ Anh (phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản miền Bắc): Phần lớn các thông số môi trường nước tại 03 điểm quan trắc nguồn cấp tại 3 vùng nuôi tôm nước lợ có giá trị nằm trong giới hạn cho phép (GHCP) theo quy chuẩn hiện hành. Tuy nhiên vẫn có một số thông số quan trắc có giá trị nằm ngoài ngưỡng cho phép:
+ Nồng độ N-NH4 trong nước nguồn cấp tại ba điểm quan trắc dao động từ 0,421 – 0,699 mg/L, các giá trị này cao hơn 1,4 - 2,3 lần so với ngưỡng GHCP theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
+ Nồng độ N-NO2 trong nước nguồn cấp tại Kỳ Hà cao hơn 1,1 lần so với ngưỡng GHCP theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.
+ Hàm lượng TSS (chất rắn lơ lửng) trong nước nguồn cấp tại Xuân Phổ cao vượt ngưỡng GHCP 1,8 lần theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.
3. Khuyến cáo
- Thời kỳ này hầu hết các hộ nuôi đang tiến hành cải tạo ao chuẩn bị thả giống, đề nghị các hộ nuôi thực hiện cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Chú ý tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm hao hụt nước trong quá trình nuôi, thất thoát sản phẩm trong điều kiện mưa lớn và bão lũ xảy ra. Cấp nước vào ao lắng lọc vào thời điểm đỉnh triều qua túi lọc, sau đó xử lý nước trong ao lắng trước khi cấp cho ao nuôi. Xử lý nước phải đảm bảo các thông số môi trường có giá trị nằm trong giới hạn cho phép trước khi thả giống.
- Thời tiết những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa lạnh kết hợp với mưa phùn, có những thời điểm nắng nóng ban ngày nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ xuống thấp kết hợp sương muối ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đối tượng nuôi. Vì thế đối với những ao đã xuống giống bà con nên lưu ý công tác quản lý môi trường ao nuôi, duy trì mực nước trong ao cao (1,3-1,5 m) để hạn chế biến động nhiệt độ và các yếu tố môi trường kết hợp với tăng cường quạt nước hạn chế phân tầng nước và cung cấp oxy hòa tan đảm bảo cho tôm phát triển. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chất dinh dưỡng như Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng chất,... Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày bằng việc quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Cân nhắc thời điểm thả giống thích hợp, hạn chế tác động xấu của thời tiết giao mùa; đồng thời lựa chọn con giống có chất lượng, uy tín thương hiệu trên thị trường về thả nuôi, tuyệt đối không lấy giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch về thả nuôi.
- Kết quả kiểm tra mầm bệnh đốm trắng và Vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp ở một số điểm quan trắc đều không phát hiện mầm bệnh. Tuy nhiên nguy cơ rủi ro về dịch bệnh luôn tồn tại vì vậy để đảm bảo vụ nuôi an toàn người nuôi cần cải tạo kỹ môi trường ao nuôi thật kỹ, vệ sinh, xử lý ao đầm, khu vực nuôi cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả giống.
- Đối với những ao nuôi lấy nước vào độ sâu trung bình đạt 0,8 - 1,0 m cần có phương án hạ cốt đáy ao xuống, đắp cao bờ ao nhằm đảm bảo mức nước lấy vào ao khi nuôi tôm đạt >1,2 m, giảm thiểu sự biến động các yếu tố môi trường trong những lúc thời tiết biến động mạnh, nắng nóng kéo dài.
- Một số hộ nuôi ở các vùng như Đan Trường - Nghi Xuân, Thạch Hưng, Đại Nài (TP Hà Tĩnh), vùng Đập Đuồi - Kỳ Thọ (Kỳ Anh), Eo Bù Kỳ Ninh, Kỳ Trinh (Thị xã Kỳ Anh),... được đầu tư từ chương trình 224, diện tích ao hồ quá lớn dao động từ 1 - 2 ha cần có phương án đầu tư, chia nhỏ ao nuôi thành các ao diện tích 2.000 - 5.000 m2/ao để dễ quản lý trong quá trình nuôi.
- Để duy trì ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo vụ nuôi tôm năm 2021 hiệu quả đề nghị các hộ nuôi thực hiện các giải pháp kỹ thuật cụ thể theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tại Văn bản số 81/TS-NTTS ngày 09/3/2021 về việc phổ biến Bản tin cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường Nuôi trồng thủy sản, cụ thể:
* Đối với nguồn nước cấp:Dựa trên kết quả các đợt quan trắc để có giải pháp xử lý, kế hoạch tích trữ và sử dụng nguồn nước cấp hợp lý. Các cơ sở nuôi cần tuân thủ quy trình lấy nước và xử lý nước nguồn cấp theo khuyến cáo của cơ quan quản lý trước khi cấp vào ao nuôi. Một số biện pháp cụ thể để xử lý nguồn nước cấp:
Thông số không phù hợp |
Giải pháp |
Độ kiềm thấp |
Sử dụng vôi dolomite, NaHCO3 để nâng độ kiềm nước nguồn cấp trong ao lắng lên khoảng phù hợp 60 - 180 mg/L trước khi cấp vào ao nuôi |
Độ mặn thấp |
Tích trử nguồn nước, chỉ thay lượng nước khoảng 10 - 20% để tránh giảm độ mặn trong ao nuôi đột ngột |
N-NH4, N-NO2, COD cao hơn mức GHCP |
Tăng cường chạy quạt khí để giảm nồng độ, sử dụng các chế phẩm sinh học cải thiện môi trường. |
TSS cao hơn mức GHCP |
Lấy nước qua túi lọc để giảm nồng độ TSS |
Mật độ Vibrio tổng số cao |
Sử dụng các hóa chất diệt khuẩn được phép lưu hành trên thị trường như Chlorine với liều lượng 10 - 20 ppm để khử trùng nước |
*Chuẩn bị ao nuôi: Cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật; Con giống phải được kiểm tra đầu vào, đảm bảo giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và thực hiện đúng theo lịch thời vụ.
* Quản lý môi trường ao nuôi:
+ Duy trì mực nước trong ao từ 1,2 - 1,5 m để giữ ổn định nhiệt độ, pH, độ mặn và độ kiềm trong ao nuôi.
+ Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH giảm thấp thì sử dụng vôi dolomit với liều lượng 0,5 - 1 kg/100 m2 vào thời điểm 21 - 24 h. Nếu pH > 8,5 có thể dùng đường cát với liều lượng 0,3 kg/1.000 m2 hoặc dùng chế phẩm sinh học hoặc thay bớt nước. Nếu pH biến động lớn trong ngày trên 0,5 đơn vị thì bón dolomit với liều lượng 1 - 2 kg/100 m2 để tăng độ cứng và hệ đệm nước ao.
+ Vùng nuôi có độ kiềm thấp có thể dùng 20 kg Dolomite/3.000 m3 trộn với 16 kg mật rỉ đường/3.000 m3, đậy kín, ủ 12 giờ, không thêm hay cho nước vào. Sau đó rải đều trên mặt ao, nếu hôm sau đo chưa đạt nên tạt thêm đến khi đạt giá trị 60 – 180 mg/l mới ngừng.
+ Nguồn nước có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao có thể sử dụng Chlorine với nồng độ từ 10 – 20 ppm vào thời điểm 15 - 16 h để xử lý mật độ Vibrio tổng số trong ao chứa/lắng trước khi cấp cho ao nuôi.
+ Để hạn chế khả năng nhiễm bệnh do vi khuẩn gây ra các hộ nuôi cần tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp gây bệnh, đồng thời góp phần cải thiện và giữ môi trường được sạch giúp tôm nuôi sinh trưởng tốt.
+ Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan trộn vào thức ăn cho tôm;
+ Dự trữ nước sạch trong ao lắng để cung cấp hoặc thay thế một phần ao nuôi khi cần thiết; Bổ sung nước khi mực nước trong ao thấp hơn 1,5 m hoặc thay nước khi các thông số môi trường nằm ngoài giới hạn thích hợp, nước ao nuôi có màu xanh đậm, vàng đậm, đen hoặc có nhiều váng bọt nổi trên mặt nước.
+ Khi trời mưa nhiều, tạo rãnh thoát nước và bón vôi quanh bờ ao trước và sau khi trời mưa nhằm phòng tránh hiện tượng pH, độ mặn, độ kiềm trong ao giảm đột ngột và nguy cơ tràn cống thoát nước gây thất thoát tôm nuôi;
+ Thường xuyên kiểm tra thức ăn của tôm trong nhá, vó để điều chỉnh thức ăn phù hợp, tránh để dư thừa.
+ Khi tôm nuôi được khoảng 2 - 3 tháng, sự tích tụ các chất dinh dưỡng dư thừa tăng, tảo phát triển mạnh. Tăng cường quạt khí về đêm và sáng sớm nhằm đảm bảo đủ khí oxy trong ao nuôi.
+ Thường xuyên quan sát hoạt động, phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày hoặc khi màu nước ao nuôi thay đổi bất thường hoặc mưa kéo dài để kiểm tra sức khỏe tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
* Biện pháp để ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi gồm:
+ Tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường khi chưa qua xử lý.
+ Hạn chế người không có nhiệm vụ đi vào cơ sở nuôi. Người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi hạn chế sang cơ sở bị bệnh; trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua bể nước khử trùng (Chlorine, formol 5 %).
+ Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước. Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá… vào khu vực nuôi.
Trên đây là kết quả kiểm tra môi trường các vùng nuôi tôm và một số khuyến cáo kỹ thuật vụ nuôi tôm năm 2021; Kính chúc bà con có một vụ mùa tôm thắng lợi./.
Sỹ Công - Chi cục Thủy sản/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã