Học tập đạo đức HCM

Thị trường hồ tiêu biến động mạnh về giá, DN đề phòng rủi ro

Thứ bảy - 20/03/2021 23:07
Chỉ trong thời gian ngắn, giá hồ tiêu bất ngờ tăng nhanh sau khi “chạm đáy”. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.
hotieu.jpg
Thu hoạch tiêu. (Ảnh: IT)

Giá tiêu tăng mạnh

Năm nay, mặc dù toàn vùng nguyên liệu bị mất mùa nhưng sản lượng hồ tiêu không quá thiếu hụt. Tuy nhiên, giá hạt tiêu trong nước tăng rất nhanh và mạnh tới 20.000 đồng/kg.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức họp đột xuất với 30 doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước khi giá tiêu tăng liên tục, nhưng giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng.

Bất chấp dự báo giá tiêu đạt đỉnh trong chu kỳ tăng, giá tiêu trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh, tiến gần tới mốc 80.000 đồng/kg. Dự báo giá có thể chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay khi nguồn cung toàn cầu thiếu hụt, khiến sản lượng giảm mạnh.

Hiện, các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Dù vườn tiêu thưa trái, nhiều nông dân vẫn vui mừng vì được giá.

Chị H'Djuang Niê (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, đang thuê thêm người hái hơn 1ha tiêu. Dù chưa thu hoạch xong nhưng nhiều thương lái đến tận nhà chị hỏi mua với giá 65-70 nghìn đồng/kg. Có người còn đưa tiền trước cho nông dân để giữ hàng.

Ông Nguyễn Văn Tiến (ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) tiếc nuối khi tiêu được giá nhưng sản lượng ít. Trước đây, nhà ông có 2.000 trụ tiêu xanh tốt nhưng sau đó nhiễm bệnh, chết hơn một nửa; tiêu lại xuống giá nên không mặn mà chăm sóc. Vụ này, ông dự kiến thu hoạch khoảng 5 tấn tiêu hạt. Ông định bán một ít, còn trữ lại chờ tăng thêm giá.

Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Cty Simexco Đắk Lắk cho biết, giá tiêu đang tăng cao. Từ mức 55 nghìn đồng/kg, chỉ trong 15 ngày, hồ tiêu tăng thêm gần 20 nghìn đồng/kg (hiện trên 70 nghìn đồng/kg). Tuy nhiên, giá hồ tiêu mới chỉ tăng mạnh ở nội địa (vùng sản xuất), còn thị trường tiêu thụ (nước ngoài) không dao động nhanh như vậy.

Theo ông Huy, thực tế, nguồn cung cũng không quá khan hiếm vì Việt Nam mới vào vụ thu hoạch, sản lượng sẽ rất nhiều, chưa kể các doanh nghiệp đều còn hàng dự trữ.

Hai tháng đầu năm, Cty Simexco Đắk Lắk mới xuất khẩu được 400 tấn hồ tiêu (đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái) và vẫn chưa có kế hoạch nhập hàng trước cơn sốt giá này.

Trước tình hình này, ông Huy nhận định nông dân có thể bán một phần sản lượng đã thu hoạch với mức giá này để trang trải, không nên vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống.

Lý giải hồ tiêu tăng giá, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội hồ tiêu Chư Suê (Gia Lai) cho biết, năm nay các vùng nguyên liệu hồ tiêu trên cả nước đều mất mùa nặng (do ảnh hưởng thời tiết, người dân ít đầu tư vì giá thấp).

Nông dân biết được sản lượng tiêu giảm thì giá tăng nên họ không bán hết, trữ lại chờ tăng giá thêm. Nhiều đại lý, doanh nghiệp, thậm chí những người có tiền cũng mua hồ tiêu để đầu cơ.

Theo ông Bính, quy luật cung cầu, hàng ít thì giá tăng; ngoài ra, hồ tiêu đang vào chu kỳ lên giá. Có thời điểm năm 2015, giá tiêu chạm đỉnh 200 nghìn đồng/kg, sau đó giảm sốc xuống còn 34-35 nghìn đồng/kg.

Để tránh rủi ro lập lại, ông Bính khuyến cáo nông dân không vội tái canh, nên chọn giống tốt, đất phù hợp, trồng tiêu trên trụ sống, trồng xen canh với các loại cây khác, canh tác theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm…

Giá tiêu trên thị trường đang đi ngược thông lệ

Nhận định về việc giá tiêu trên thị trường đang đi ngược thông lệ và tăng nóng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vụ tiêu mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc nên sản lượng tiêu hàng hóa trên thị trường chưa nhiều giá tiêu lại tăng nóng trong thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng người trồng tiêu có tâm lý "găm hàng chưa bán vội", còn thương lái thì tới các vùng trồng tiêu trọng điểm mua gom để "ôm hàng" chờ giá tăng thêm, đưa đến hiện tượng khan hiếm tiêu cục bộ tại thời điểm hiện tại.

hotieu11.jpg
 
Nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San đóng gói, đề nguồn gốc xuất xứ của hạt tiêu ngoài bao bì. Ảnh: Công Phong/TTXVN

"Giá tiêu tăng cao người được hưởng lợi trước tiên là nông dân nhưng giới đầu cơ thì chưa chắc. Tuy nhiên, trên thị trường đã có hiện tượng găm hàng chờ giá khiến các công ty xuất khẩu khó mua đủ hàng giao cho khách theo hợp đồng đã ký, đó là chưa kể giá tăng doanh nghiệp bị lỗ so với mức giá đã ký. Qua tháng 4 tiêu vào thu hoạch rộ đến cuối tháng 4 thì hết vụ, cộng với tiêu Campuchia tràn vào, lượng tiêu hàng hóa trên thị trường dồi dào, giá tiêu có thể sẽ không còn được như bây giờ vì vậy người trồng nên cân nhắc thời điểm bán ra", một doanh nghiệp chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, lượng tiêu xuất khẩu đạt 13.428 tấn, với kim ngạch 38,923 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và giảm 20,1% về giá trị so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 30.291 tấn, với kim ngạch 87,558 triệu USD, giảm 25,3% về sản lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá tiêu đen và tiêu trắng của Việt Nam tăng 11% so với tuần trước, trung bình 2.697 USD/tấn đối với tiêu đen và 4.215 USD/tấn đối với tiêu trắng.

Khối lượng tiêu xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do tháng 2 rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, và tình trạng khan hiếm container rỗng đẩy chi phí logistics tăng cao. Kim ngạch từ đó cũng giảm 6,5%, còn 87,56 triệu USD, tương đương mức giá khoảng 2.890 USD/tấn tiêu xuất khẩu.

Để tránh rủi ro doanh nghiệp không nên ký hợp đồng giao xa

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, giá tiêu trên thị trường nội địa tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam dần ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tiêu thụ tăng lên, cho dù đến hiện tại tình trạng thiếu container vẫn còn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định lớn đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

tieu-an-do.jpg
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.

Vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay muộn hơn các năm trước, đến nay cả nước mới thu hoạch khoảng 30-40% diện tích và giá tiêu đang bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Dự báo, sản lượng tiêu năm nay ước đạt 150.000-180.000 tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sản lượng tiêu ở các quốc gia khác cũng đang giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy sản lượng tiêu toàn cầu được dự báo giảm và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ đang có xu hướng tăng nhưng mức tăng chưa tương xứng với mức giá nguyên liệu như hiện nay.

"Với tình hình như hiện nay giá tiêu sẽ không tăng mạnh thêm nữa nhưng xuống giá như trước đây cũng khó. Việt Nam đang thu hoạch tiêu nhưng giá tiêu tăng cho thấy nhu cầu thị trường đang có. Theo khảo sát của VFA, năm 2021 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trên dưới khoảng 25% so với vụ tiêu trước", ông Hải cho biết.

Theo các doanh nghiệp, giá tiêu tăng và diễn ra liên tục từ cuối tháng 2 đến nay là có điều gì đó "bất thường", trong khi sản lượng và giá thành xuất khẩu chưa tăng tương xứng. Vì vậy, người dân không nên vay tiền trữ hàng hay mở rộng diện tích trồng tiêu như những năm 2015-2016.

Còn theo VPA, giá tiêu đang bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký, doanh nghiệp nên điều tiết tiến độ giao hàng, hoặc mua thị trường khác thay thế hay thương lượng để bồi thường hợp đồng.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh (25,3%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng hàng nhập khẩu lại tăng hơn 13%.

Dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ và chế biến trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn loại 500 g/l nhưng rất ít người mua.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng như thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội hồ tiêu Chư Suê (Gia Lai) cho biết, để tránh rủi ro khi giá tiêu chạm đỉnh rồi giảm sốc, nông dân không vội tái canh, nên chọn giống tốt, đất phù hợp, trồng tiêu trên trụ sống, trồng xen canh với các loại cây khác, canh tác theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm…/.

 Thanh Tâm (Tổng hợp)/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm184
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại873,198
  • Tổng lượt truy cập90,936,591
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây