Tỷ phú nông dân đi lên từ 2 bàn tay trắng
Người mà chúng tôi đang nhắc đến chính là ông Lê Minh Quyền, sinh năm 1965, hội viên Hội Nông dân tổ 1 Tây Sơn, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Dẫn chúng tôi đi ra khu vực nuôi tôm hùm, cá đặc sản ở khu vực đảo Trí Nguyên, ông Quyền cho biết, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, 2 vợ chồng ông phải cảm ơn những người thân, bạn bè, các cấp Hội Nông dân đã giúp đỡ cho gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Năm 1990 sau khi lập gia đình ở Thừa Thiên Huế, do không có việc làm ổn định nên vợ chồng ông Quyền khăn gói vào đất TP Nha Trang (Khánh Hòa) để kiếm cách làm ăn.
Tại đây, ông phải trãi qua nhiều nghề để mưu sinh nuôi sống gia đình. Hàng ngày phải chạy xe ba gác rong rủi khắp nơi kiếm tiền cực nhọc, vất vả.
Tuy nhiên, khó khăn chồng chất và kinh tế lại bấp bênh. Trong khi đó, các con đang tuổi ăn tuổi học lại tốn nhiều chi phí và nhiều đêm ông trăn trở phải cố gắng kiếm cách làm ăn để thoát nghèo.
Ông Lê Minh Quyền cho hay: "Trong một lần tình cờ tôi xin vào doanh nghiệp thu mua thủy sản để làm việc, chuyên ghi sổ sách các sản phẩm thuỷ sản. Quá trình làm tôi nhận thấy nghề thủy sản mở ra nhiều triển vọng kinh tế và có cơ hội thoát nghèo. Sau 4 năm làm tại doanh nghiệp thuỷ sản tôi quyết định nghỉ việc và xác định nghề mình theo đuổi lâu dài sẽ là nuôi trồng thủy sản".
Gần 20 năm thăng trầm nuôi cá đặc sản, tôm hùm to bự
Nhận thấy TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà có điều kiện phát triển kinh tế biển đảo, diện tích mặt nước lớn, sạch sẽ, kín gió nên rất thuận tiện cho việc nuôi các loại cá biển đặc sản, tôm hùm... Con cá mú chính là đối tượng mà ông Lê Minh Quyền cảm thấy mang lại lợi nhuận kinh tế cao, thức ăn cho cá mú sẵn có ở địa phương với giá thành rẻ và thị trường xuất khẩu cá mú sang các nước rất tiềm năng.
Với nét mặt chất phác, ông Quyền kể lại câu chuyện gắn với nghề nuôi cá mú, tôm hùm hàng chục năm không ít cơ cực, niềm vui và may mắn đan xen với nhau.
Từ năm 2002 ông bắt đầu nuôi 12 ô lồng cá mú, chủ yếu nuôi cá mú trắng, cá mú đỏ, cá mú nghệ, có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình vừa nuôi cá mú, ông vừa thu mua thêm cá mú đặc sản của các hộ trong vùng để về nuôi dưỡng đến khi đủ trọng lượng ông tiến hành xuất bán.
Sau đó, ông Quyền mở rộng được 76 ô lồng nuôi cá, trung bình xuất bán từ 3-5 đợt/năm, doanh thu mang lại trên 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Lê Minh Quyền còn nuôi khoảng 5.000 con tôm hùm xanh, tôm hùm sao mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.
Đang trên đà "hái ra tiền" nhờ tôm hùm, cá mú đặc sản thì đến năm 2017, cơn bão đổ bộ vào khiến cho kinh tế của gia đình ông bốc hơi 100%, ước tính thiệt hại cá mú, tôm hùm do cơn bão gây ra khoảng 6 tỷ đồng. Cơn bão tan, vợ chồng ông suy sụp, bởi chỉ trong thời gian ngắn bao nhiêu vốn liếng tích cóp lại trôi ra biển cả.
Ông chia sẻ: "Tôi nghĩ, nếu bỏ nghề nuôi trồng thuỷ sản này thì gia đình biết làm gì đây. Được nhà nước hỗ trợ 1,2 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ thiệt hại do mưa bão, tôi quyết mượn thêm bạn bè, người thân và vay vốn của ngân hàng thêm khoảng 300 triệu đồng để tái đầu tư. Đầu năm 2018, tôi thả nuôi cá đặc sản, tôm hùm đến cuối năm trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng".
Có được ít vốn nên năm 2019 gia đình ông Quyền mạnh dạn thả nuôi 46.500 con tôm hùm xanh, được chia thành 4 đợt nuôi và khoảng 700 con cá mú đặc sản các loại. Đến giai đoạn thu hoạch tôm hùm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cả xuống thấp, riêng hai đợt đầu lỗ gần 300 triệu đồng.
Hơn 1 tuần nay, gia đình ông nhận được tin vui, bởi giá tôm hùm đang từ 400.000 – 500.000 đồng/kg tăng lên 600.000 – 700.000 đồng/kg, tăng 100.000 đồng/kg so với trước đây.
Hiện tại, gia đình ông Lê Minh Quyền đang còn 2 lô tôm hùm xanh chuẩn bị cho thu hoạch, khoảng trên 17.000 con tôm. Với giá bán tôm hùm như hiện nay thì gia đình ông cũng có lãi. Dự kiến cuối tháng 8 Âm lịch ông sẽ tiếp tục đầu tư vốn để thả nuôi thêm tôm hùm...
Ông Lê Minh Quyền luôn luôn tích cực trong các phong trào thi đua nên được địa phương tín nhiệm bầu vào tổ trưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường phường Vĩnh Nguyên.
Đến nay, ông đã vận động được 15 thành viên tham gia, sinh hoạt, tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao và tuyên truyền người dân không được vứt rác ra môi trường biển.
Ông Nguyễn Văn Phú – Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) cho biết, mô hình nuôi cá đặc sản, tôm hùm của nông dân Lê Minh Quyền là một trong những mô hình điển hình của địa phương.
"Trước đây, gia đình anh Quyền rất nghèo, từ người chạy xe ba gác thuê đến nay anh mạnh dạn vận dụng kỹ thuật, công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để đầu vào nuôi cá mú đặc sản, tôm hùm xanh, tôm hùm sao và hiện đã thoát nghèo. Ngoài ra, anh còn nhiệt tình hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu nuôi trồng thủy sản, tích cực vận động các hội viên, nông dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển, chấp hành các chính sách của pháp luật...".
Điển hình, gần đây nhất ông Quyền đã vận động các hội viên, thành viên trong tổ đóng góp 5,6 triệu đồng để ủng hộ một bé gái ở đảo Trí Nguyên bị ung thư máu giai đoạn cuối.
Những hộ khó khăn trong việc đóng kinh phí bảo vệ môi trường, ông cũng tạm ứng cho các hộ này. Ngoài ra, còn tuyên truyền cho nông dân sử dụng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đúng mục đích.
Với những kết quả đạt được, ông Lê Minh Huyền vinh dự được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Giấy khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, giấy khen của Hội Nông dân TP Nha Trang, giấy khen của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Khánh Hòa,…
Năm 2020 ông Lê Minh Quyền, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
https://danviet.vn/khanh-hoa-ong-nong-dan-nuoi-ca-dac-san-tom-hum-to-bu-ma-lam-nen-co-nghiep-ty-phu-20200917092708485.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã