Dự án là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.
Tổng vốn đầu tư của Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH tại Kon Tum là 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn số 1 của vùng Tây Nguyên.
Dự án này có thể coi là đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum - địa phương có rất nhiều thế mạnh cho ngành này nhưng chăn nuôi bò sữa của Kon Tum hiện vẫn là “trận địa” hoàn toàn bỏ trống cho đến khi có sự xuất hiện của TH.
Kon Tum có đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp, đặc biệt là khí hậu cao nguyên mát mẻ - nhiệt độ quanh năm dao động chỉ từ 18-23 độ C, trên nền địa hình cao từ 700-1.200m so với mực nước biển. Những đặc điểm đó rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa - loài đại gia súc đến từ xứ ôn đới.
Đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Tum, TH sẽ biến vùng đất nơi phên dậu đất nước thành một trong những vùng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa điển hình của cả nước, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Theo kế hoạch, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum được thực hiện theo hai mô hình, gồm: mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao - tương tự dự án đã triển khai ở Nghệ An; mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt thông qua Dalatmilk.
Với mô hình chăn nuôi tập trung, Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Kon Tum xây dựng một cụm trang trại quy mô 10.000 con bò sữa trên diện tích 60 ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn 378 ha.
Cụm trang trại thiết kế và vận hành bằng công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, quản lý đàn bằng hệ thống vi tính 100% và dàn máy móc tự động, hiện đại hàng đầu thế giới.
Trạng trại bò sữa của TH tại Kon Tum sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò bằng việc sử dụng nguồn cỏ, ngô trồng tại địa phương, đồng thời nhân giống, phát triển các giống cây trồng khác, hướng dẫn và khuyến khích bà con nông dân trong khu vực trồng các loại cây nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho cho các nông hộ.
Với mô hình chăn nuôi liên kết với người nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, Dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con, quy mô 5-10 con bò sữa/hộ. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo những ly sữa do người nông dân làm ra cũng hoàn mỹ và đồng nhất chất lượng với những ly sữa làm ra tại các trang trại chăn nuôi tập trung của TH. Doanh nghiệp và người nông dân phải cùng làm ra những ly sữa đồng nhất về chất lượng và cùng tự tin bước ra thị trường thế giới”, bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định.
Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ trong khu vực sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.
Tâm niệm của Nhà sáng lập Tập đoàn, bà Thái Hương, là làm ly sữa tươi sạch để phục vụ sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu; đồng thời giúp người nông dân làm giàu nhờ con bò sữa, và quan trọng hơn, giúp họ cảm thấy “tự hào về đồng đất của họ, đồng đất đã làm ra những sản phẩm mà thế giới đã chấp nhận với yêu cầu, chuẩn mực khắt khe nhất”.
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum cũng sẽ đi theo hướng kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH trong 10 năm qua.
Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm, phụ phẩm, thậm chí chất thải của hạng mục này là đầu vào của hạng mục khác, ví dụ thu gom chất thải của hệ thống chăn nuôi để xử lý bằng hệ thống hầm biogas công suất lớn, ủ phân vi sinh bón cho các vùng nguyên liệu, các đồng cỏ, ngô phục vụ làm thức ăn cho bò sữa…
Mô hình này cũng được cụ thể hóa bằng việc TH tiên phong ứng dụng các giải pháp tiêu dung bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, tích cực tái chế - tham gia khởi xướng các tổ chức như Liên minh Doanh nghiệp Vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
TH cũng có các chính sách bảo vệ tài nguyên đất, nước, sáng tạo các giải pháp về năng lượng, tuân thủ quy chuẩn cao nhất về nguồn nước và xử lý chất thải. Đây chính là mô hình kinh tế mà thế giới đang chuyển mình theo vì sự phát triển bền vững.
Tùng Đinh/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã