Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5 (tuần từ ngày 24 - 28/5), lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng và hiện đã cao hơn mức trung bình của năm 2020.
Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,02 điểm % - 0,17 điểm % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với tuần liền trước.
Trong đó, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất lên mức 1,38%, tăng 0,17điểm %.
Lãi suất bình quân các kỳ hạn 01 tuần, 02 tuần và 01 tháng lần lượt là 1,48%/năm, 1,54% và 1,56%/năm.
Như vậy, kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất và chủ yếu trên liên ngân hàng (qua đêm) đã vượt khỏi vùng dao động quanh 1,2%.
Đây cũng là mức cao nhất trong năm nay và gấp hơn 2 lần mức lãi suất hồi đầu năm.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng của các kỳ hạn khác đều đã cao hơn mức trung bình của năm 2020 (trong khoảng 0,84%-1,14%/năm).
Không chỉ "nóng" tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng cũng tăng trong tuần cuối tháng 5.
Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), sau khi điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm vào đầu tháng 5 ngân hàng này tiếp tục "cộng" thêm lãi suất kể từ 27/5 vừa qua.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất được SHB áp dụng từ ngày 27/5, lãi suất gửi tiết kiệm tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với trước đó.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng tăng từ 3,35-3,65%/năm, lên mức từ 3,4-3,8%/năm; các kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 5,2-5,5%/năm, tăng 0,3 điểm % sau 2 lần điều chỉnh trong tháng 5.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,2 điểm % lên 5,8%/năm (khi gửi tại quầy số tiền từ 2 tỷ trở lên), tăng 0,35 điểm % khi gửi online lên 6,15%/năm.
Các kỳ hạn dài 24-36 tháng, lãi suất tiết kiệm đều tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng từ 0,1-0,2 điểm % với nhiều kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên mức 5%/năm…
Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng hiện có mức lãi suất huy động lần lượt là 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất huy động tại Sacombank cũng tăng 0,1-0,2% điểm %. Đặc biệt, lãi suất huy động với hình thức gửi tiền online ở kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,7%/năm.
Trước đó, vào đầu tháng 5 ngoài SHB một số ngân hàng khác cũng tăng tới 0,3 điểm % với các khoản gửi tiết kiệm như PG Bank, Vietcapital Bank hay ACB,...
Trong khi đó, 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh có thị phần huy động cao nhất là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đến nay vẫn "án binh bất động", không thay đổi lãi suất trong 2 tháng qua. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhóm ngân hàng quốc doanh hiện duy trì ở mức 5,6%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của nhóm này thấp hơn 40% so với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay (8,2%/năm).
Chiều ngược lại, VPbank và HD bank đồng loạt giảm 0,3 - 0,7 điểm % lãi suất huy động kể từ cuối tháng 5.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa giảm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân từ hôm 21/5.
Trong đó, tại kỳ hạn 1 - 2 tháng, lãi suất giảm từ 2,9-3,2 điểm% xuống 2,8-3,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,1 điểm % xuống 3-3,3%/năm.
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao do gần đây các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu có thể đã khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian qua.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh cho vay ngay từ những tháng đầu năm, trong khi huy động vốn không song hành thực tế cho vay, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản.
"Thiếu thanh khoản thường là các ngân hàng nhỏ, do vậy, các ngân hàng này tập trung vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất tăng mạnh", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nhận xét, lãi suất tiết kiệm tăng chủ yếu do yếu tố lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế là chính, trước đây có thêm yếu tố tỷ giá nhưng nhiều năm nay, tỷ giá tương đối ổn định đã không tác động nhiều đến lãi suất.
Các chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI thì cho rằng, nguồn cung nội tệ của các ngân hàng thương mại đang có sự hạn chế hơn so với giai đoạn trước nhưng cung cầu trên liên ngân hàng không đến mức căng thẳng.
Trong 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn ngừng giao dịch trên thị trường mở.
Mặt khác, chỉ số giá CPI tháng 5 chỉ nhích nhẹ 0,16% so với tháng trước, trung bình 5 tháng chỉ tăng 1,29%, mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Do đó, các chuyên gia SSI nhận thấy chưa có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng giữ nguyên dự báo về việc lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021.
"Dù lạm phát tiếp tục tăng nhanh hay giảm, "cuộc chơi" lãi suất vẫn nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước bởi cơ quan này vẫn là chủ thể đưa quyết định xu hướng lãi suất trên thị trường thông qua các công cụ điều hành", một chuyên gia kinh tế (ĐH Quốc gia) đánh giá.
Vậy gửi tiết kiệm thế nào cho hiệu quả từ trong điều kiện hiện nay?
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khi gửi tiền tiết kiệm tại bất cứ tổ chức tín dụng nào, khách hàng không cần lo lắng quá nhiều về mức độ an toàn. Bởi hiện nay, các ngân hàng đều chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và đến nay chưa từng có tiền lệ phá sản ngân hàng trong nước.
Vì vậy, người dân ưu tiên gửi ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất. Tuy nhiên, nếu khách hàng có một số tiền lớn thì nên gửi theo sản phẩm tiết kiệm bậc thang để có lãi suất cao. Còn số tiền nhỏ đều hàng tháng thì nên chọn tiết kiệm tích lũy.
Hiện, bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 5/2021, OCB dẫn đầu với lãi suất tiết kiệm tới 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
ACB đang ghi nhận mức lãi suất 7,4%/năm cho khoản tiền gửi 30 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; Sacombank với 6,95%/năm…
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Thu Trang - một nhân viên văn phòng, kiêm bán hàng online kỳ vọng, ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để người dân có "lợi thêm đôi chút".
"Mặt hàng bán online của gia đình có tính đặc thù nên khi dịch bùng phát doanh thu giảm mạnh. Gia đình vừa thanh lý hết số hàng để nghỉ bán thu về được gần 200 triệu. Dù khoản tiền này đã về tài khoản cách đây 2 tuần nhưng tôi vẫn để dưới hình thức gửi online kỳ hạn 1 tuần, biết đâu trong 1 hay 2 tuần tới ngân hàng lại đua nhau tăng mạnh lãi suất như đợt cuối tháng 5 vừa qua. Tôi sẽ kiên trì chờ đợi cơ hội có mức lãi suất tốt nhất để gửi tiết kiệm lâu dài, dù sao trong thời buổi khó khăn này thì được thêm đồng nào tốt đồng đó", chị Trang nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã