Vì vậy, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất chè trên địa bàn. Công tác quản lý quy hoạch, chuyển giao TBKT mới, liên kết trong sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ chè… được các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm hỗ trợ, triển khai. Ngày càng có nhiều hộ thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng từ việc sản xuất chè. Trồng chè chất lượng cao đã trở thành phong trào ở các địa phương có quy hoạch.
Hiện tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh là 6.024,1 ha (có 1.000 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP), trong đó diện tích chè kinh doanh là 4.659 ha. Năng suất bình quân diện tích chè kinh doanh đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng 22.300 tấn chè búp tươi/năm. Giá thu mua nguyên liệu chè búp tươi được chia ra theo từng loại chè: chè búp (Shan, lai, trung du...) có giá 5.000 – 6.000 đồng/kg; chè hữu cơ có giá 10.000 - 12.000 đồng/kg; chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Hùng Đỉnh Bạch, Bát Tiên...) có giá 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Hiện tỉnh có 09 nhà máy và xưởng chế biến chè, tổng công suất khoảng 150 tấn búp tươi/ngày và khoảng trên 300 lò chế biến quy mô hộ gia đình có công suất khoảng 75 tấn búp tươi/ngày. Ngoài số lượng nhỏ sản phẩm sấy khô phục vụ tiêu dùng nội địa, còn lại trên 95% sản phẩm chế biến thành chè xanh, chế biến thô bán cho các nhà máy trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp thông qua các hợp đồng uỷ thác sang thị trường Trung Đông, Đài Loan, Trung Quốc... Giá trị sản xuất chè năm 2020 ước đạt 220 tỷ đồng, bình quân thu nhập 1 ha chè khoảng 37 triệu/ha/năm, riêng chè Ô long tại thị xã Sa Pa giá trị đạt trên 100 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc sản xuất chè trong tỉnh còn nhiều khó khăn như công tác quản lý, tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ canh tác, hiểu biết về kỹ thuật thâm canh của người dân theo xu hướng an toàn, hữu cơ còn thấp; năng suất canh tác, chất lượng sản phẩm chưa cao; công nghiệp chế biến sản phẩm chè chậm phát triển; năng lực các cơ sở chế biến ở địa phương hạn chế cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực; thị trường ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là thị trường quốc tế; thiếu thông tin giữa các doanh nghiệp về sản phẩm và thị trường; công tác quảng bá, tiếp thị còn chưa quan tâm đúng mức;…
Trước vô vàn thách thức khó khăn, để khai thác hết tiềm năng sẵn có của cây chè, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị quy mô 20 ha do 70 hộ tham gia. Các mô hình thực hiện tại 02 xã (Bản Liền, Tả Củ Tỷ) của huyện Bắc Hà trong giai đoạn 2020-2022.
Hai xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm 90%, đời sống gặp nhiều khó khăn, lao động chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp, cây chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Đến nay dự án đã hỗ trợ thành lập 02 tổ nhóm nông dân sản xuất chè hữu cơ. Theo đó, các hộ được tập huấn hướng dẫn quy trình canh tác chè hữu cơ, tham gia đối thoại với doanh nghiệp, liên kết với nhau hình thành vùng sản xuất chè hữu cơ hàng hóa tập trung. Đại diện tổ nhóm đã thống nhất ký kết hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè hữu cơ với HTX chè Bản Liền, tạo hướng đi bền vững trong sản xuất. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ phân bón đạt tiêu chuẩn hữu cơ để sử dụng bón cho cây chè như phân hữu cơ vi sinh Fitohoocmon31.
Việc thực hiện mô hình đã khích lệ bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ. Đặc biệt mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh gây hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 4,2 tấn/ha/lứa. Mặc dù năng suất chè búp tươi trong mô hình thấp hơn (đạt 4,2 tấn/ha) so với năng suất ngoài mô hình (5,9 tấn/ha) nhưng giá bán sản phẩm chè búp tươi trong mô hình cao gấp đôi (12.000 đồng/kg), vì vậy thu nhập của các hộ nông dân tham gia dự án tăng từ 28-30% so với trước khi thực hiện dự án.
Đặng Thương Thảo/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã