Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tọa đàm “Phát triển mô hình nuôi cá – lúa đạt hiệu quả cao và bền vững” tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nông dân địa phương về mô hình nuôi trồng thủy sản độc đáo này.
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình nuôi cá – lúa sẽ tạo hệ sinh thái kết hợp để mang lại lợi ích cho cả con cá và cây lúa. Mô hình vừa tạo năng suất cao hơn việc trồng lúa thông thường, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, tăng sản lượng trên cùng diện tích nuôi cá.
Việc phát triển mô hình nuôi cá – lúa cũng được chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lưu ý tới bà con nông dân. Để mô hình đạt hiệu quả cao nhất thì người dân cần phải phối hợp giữa hai hình thức nuôi xen canh và luân canh, kết hợp nuôi xen canh cá với lúa chung với nhau và nuôi luân canh 1 vụ lúa 1 vụ cá.
“Vì vụ chiêm là vụ năng suất nhất, ít sâu bệnh cho lúa nên bà con cứ thực hiện cấy lúa như thường. Sau đó thả cá chung với lúa. Sau khi gặt thu thóc về thì dâng nước lên, cá lúa sống chung. Cũng cần bổ sung thêm một số loại cá nữa”, ông Kim Văn Tiêu hướng dẫn cụ thể.
Hiện mô hình cá – lúa rất phù hợp để nuôi cá chép và cá rô. Cá chép sẽ sục bùn cày đất nên sẽ không có rong rêu trong ao còn cá rô ăn bọ rầy bọ rệp. Nếu phát hiện cây lúa có bọ rầy, bọ rệp, người dân chỉ cần dâng nước lên, cá chép và cá rô sẽ xử lý sâu bọ mà không cần phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Đối với mô hình nuôi cá – lúa, nếu bà con nuôi thưa, 0,5 - 1 con/m2 diện tích thì không cần cho cá ăn. Nếu nuôi 1,5 con/m2 trở lên thì mới cần bổ sung thức ăn. Khi cho ăn cần trộn thêm chế phẩm vi sinh vì đường ruột của cá rất kém, rất dễ bị bệnh đường ruột. Việc bổ sung men vi sinh thì cá sẽ khỏe mạnh, phát triển nhanh hơn, thời gian nuôi ngắn hơn.
Chuyên gia cũng lưu ý thời điểm cá hay bị ảnh hưởng nhất là lúc cây lúa đứng cây, trỗ bông. Lúc đó lá lúa rụng xuống làm thối nước, ô nhiễm môi trường sống của cá. Theo đó người nông dân cần có những biện pháp xử lý môi trường nước như: hạ mực nước xuống, thay nước mới, sử dụng một số chế phẩm sinh học. Qua đó sẽ làm sạch môi trường sống của cá, đảm bảo ô xi trong ao. Ngoài ra cũng cần bổ sung Vitamin C mà một số thuốc phòng bệnh để cá tăng sức đề kháng.
Khi được hỏi về tính hiệu quả khi áp dụng mô hình nuôi cá – lúa, người dân xã Hợp Thanh đều đánh giá rất cao. Khi nuôi cá – lúa, mặc dù bà con cần bỏ ra 15 – 20% diện tích để đào ao nhưng tổng sản lượng lúa không đổi, thậm chí còn tăng lên.
Lí do là vì mô hình nuôi cá – lúa có nước nên chuột không thể phá lúa. Bên cạnh đó cá chép, cá rô sẽ ăn trứng ốc bươu vàng nên ốc không thể phát triển để hại lúa. Đặc biệt khi nuôi cá – lúa, vì ruộng có nước nên khi gặp những cơn bão thì lúa sẽ không bị đổ. Ngoài ra việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc BVTV sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa, nâng cao hiệu quả cho người dân.
Ông Đinh Đức Hòa (xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội) có 6ha diện tích mô hình nuôi cá – lúa. Ông là người đã có kinh nghiệm 4 năm áp dụng mô hình này với các loại cá chủ lực như cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi. Tháng 1/2020 vừa qua, ông Hòa đã thu hoạch được 20 tấn cá.
Ông Hòa cho hay: “Áp dụng mô hình nuôi cá – lúa này tôi có thể tận dụng được thức ăn dư thừa từ lúa cho cá. Ngược lại cây lúa sẽ cho sản lượng cao hơn so với trồng 2 vụ lúa thông thường. Mỗi vụ sau khi trừ hết chi phí tôi thu về 250 triệu tiền lãi”.
Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Thanh có diện tích nuôi cá - lúa đã được phê duyệt là 28,39ha; diện tích được quy hoạch 120ha.
Ông Nguyễn Văn Điện, Giám đốc HTX nông nghiệp Hợp Thanh chia sẻ: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển đổi nốt diện tích đã được quy hoạch”.
“Hiện tại diện tích mô hình nuôi cá - lúa được phê duyệt đã đi vào sản xuất ổn định. Mô hình cho năng suất thu nhập bình quân cao hơn trồng thuần túy 2 vụ lúa từ 110 – 130 triệu/ha/năm trên cùng một diện tích”, ông Điện cho biết.
Nhà nước đang có các chính sách để hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Về mô hình cá lúa, Nhà nước cấp kinh phí để xây dựng mô hình, hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn và tổ chức các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật cho người nông dân.
Trong những năm qua, TP. Hà Nội rất quan tâm tới việc phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương. Về mô hình nuôi cá – lúa, thành phố đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người nông dân ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại địa phương như hỗ trợ kinh phí hóa chất xử lý môi trường năm đầu tiên là 50% và năm thứ hai là 30%; hỗ trợ 50% kinh phí máy quạt nước tạo ô xi.
Phạm Hiếu/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã