Hơn 10 năm nên duyên với bún khô
Vào những năm 2000, chị Trần Thị Thu Hòa (44 tuổi) trú khối phố Thuận Trà, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chọn nghề làm bún tươi để mưu sinh và phát triển kinh tế gia đình. Thời gian sau, được sự tư vấn và chỉ dẫn kỹ thuật làm bún khô từ người em trai, chị Hòa quyết định làm thử nghiệm những mẻ bún khô đầu tiên. Với kết quả hơn mong đợi sau thời gian thử nghiệm và thăm dò thị trường, chị mạnh dạn chuyển hướng hẳn sang sản xuất bún khô quy mô lớn.
Chị Trần Thị Thu Hòa nhớ lại: "Ban đầu tôi chỉ làm bún tươi với quy mô nhỏ, đủ cung cấp cho một số chợ ở địa phương. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng kinh tế cao từ nghề làm bún khô thì tôi cố gắng học hỏi và đầu tư vào sản xuất số lượng lớn. Đến năm 2008, tôi đăng ký thành lập cơ sở sản xuất bún khô Anh Vũ để tiến đến quy trình sản xuất tân tiến hơn".
Để làm ra những mẻ bún khô đạt chuẩn, vừa mềm vừa dai, lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì chọn gạo là khâu đầu tiên, cũng là khâu quan trọng nhất. Gạo phải là loại gạo Khang Dân được trồng tại địa phương, hoặc có thể dùng gạo 13/2 để làm ra sợi bún trắng ngà, dai, dẻo.
Theo chị Hòa, bún khô mang hương vị thơm ngon được kết tinh từ tinh túy của hạt gạo nên phải trải qua nhiều công đoạn. Quy trình sản xuất bún khô không khó nhưng khá vất vả, đòi hỏi cao sự tỉ mỉ, cẩn thận của người làm. Dù hiện nay cơ sở của chị đã áp dụng khá nhiều máy móc, nhưng vẫn cần có bàn tay điều khiển của nhà nghề để cho ra những sợi bún ngon nhất.
Chị Hòa chia sẻ: "Tôi chọn loại gạo Khang Dân ngâm từ 5 -10 phút, rồi vớt ra để ráo, xay thành bột khô, rồi cho vào một lượng nước vừa đủ để tiến hành hấp bột trong khoảng 10-15 phút, sau đó cho ra khuôn ép thành sợi. Bún tươi được treo trên sào tre, đậy kín ủ trong 8 tiếng, rửa lại và mang ra phơi nắng. Có một số công đoạn đã được cơ giới hóa, nhưng điều quan trọng là người đứng máy phải biết bỏ lượng gạo vào máy xay sao cho đều, ước chừng bột vừa khô tới, đủ độ chín thì bún mới ngon, trắng và dai".
Thu lãi 200 triệu đồng/năm
Thời gian đầu thử nghiệm làm bún khô, chị Hòa gặp khó khăn vì nhiều mẻ bún không như mong đợi, chất lượng không đảm bảo. Sợi bún khô giòn, dễ bị gãy, không có mùi thơm đặc trưng. Nhưng nhờ sự cố gắng tìm tòi học hỏi, cải tiến máy móc và đút kết kinh nghiệm nên cơ sở bún khô của chị dần sản xuất ổn định, khẳng định uy tín và chất lượng thơm ngon.
Chị Hòa hồ hởi nói: "Bên cạnh làm bún khô thì tôi còn làm thêm phở khô để đáp ứng nhu cầu thực phẩm đa dạng cho thị trường. Tất cả các công đoạn sản xuất đều tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất hay phụ gia, chất bảo quản nào khác. Nhờ đó sợi bún khô có màu trắng ngà của gạo, dai tự nhiên, không bị chua và có mùi thơm đặc trưng".
Phải mất khoảng 2 ngày để cho ra một mẻ bún khô hoàn thiện. Đó là sự lắng đọng từ "hạt ngọc" của trời và chứa đựng bao công sức của người thợ làm nghề. Hiện nay, cơ sở bún khô Anh Vũ tạo việc làm cho 4 lao động cố định tại địa phương, với mức lương 6.000.000 đồng/người/tháng. Vào những tháng cận Tết, chị Hòa sản xuất gấp đôi sản lượng ngày thường và phải thuê thêm lao động thời vụ nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng đến từ nhiều nơi như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh…
Được biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Hòa đã đưa vào sản xuất bún khô kết hợp với một số nguyên liệu tự nhiên như: đông trùng hạ thảo, hoa đậu biếc, củ nghệ, gạo lứt… với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Với loại bún và phở khô thông thường có giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Chị Hòa phấn khởi nói: "Nhu cầu tiêu thụ bún khô hiện nay rất lớn, bán rất chạy từ mùa mưa cho đến cận Tết. Chính vì vậy, tôi phải đầu tư lò sấy khô để đảm bảo hoạt động sản xuất bún khô không bị gián đoạn và đảm bảo sản lượng. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất 300kg gạo, cung cấp cho thị trường khoảng 400-500kg bún khô. Sau khi trừ mọi chi phí, tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm".
Sản xuất bún khô tại cơ sở của chị Hòa gặp khó khăn khi cạnh tranh với nhiều sản phẩm bún khô khác có chất lượng kém hơn, giá thành rẻ hơn. Do vậy, bên cạnh đảm bảo sản xuất hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, chị còn đẩy mạnh hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tem vạch để sản phẩm bún khô Anh Vũ tiến đến những thị trường bền vững. Với sự nỗ lực hoàn thiện, sản phẩm bún khô đặc trưng của xứ Quảng hi vọng sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã