3 nắng 1 muối
Thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài tại các tỉnh miền Trung giúp sản xuất muối rất thuận lợi. Cứ 3 ngày, diêm dân cào một lứa muối (gọi là 3 nắng 1 muối). Theo nhiều diêm dân, vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh (xã Xuân Phương, Thị xã Sông Cầu, Phú Yên) lấy nước từ vịnh Xuân Đài, còn khu vực Tuyết Diêm (xã Xuân Bình) thì lấy nước từ đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu, Phú Yên).
Hiện nay ở vùng này, nhiều người nuôi tôm hùm, ốc hương…, nước sinh hoạt đổ ra vịnh, đầm nên nguồn nước bị giảm độ mặn. Do nước biển nhạt nên trước đây làm muối thủ công qua 5 đến 7 nắng mới khô, thế nhưng những ngày qua nắng gắt, trời trong xanh, nắng suốt từ sáng đến chiều nên tốc độ muối kết tinh nhanh, chỉ 3 ngày nắng là thu hoạch lứa muối ráo.
Ông Bùi Văn Hồng, một diêm dân ở vùng muối Lệ Uyên chia sẻ: Trung bình một mẫu muối (10 sào), mỗi lần cào cho ra 40 bao (50kg) mối tinh. Với giá bán như hiện nay muối trắng thương lái mua 40.000 đồng/bao (800 đồng/kg), diêm dân thu được 1,6 triệu đồng, trừ chi phí thuê công cào dồn đống, công gánh, công hốt…, còn lại lãi chỉ khoảng 800.000 đồng.
Thường trời yếu nắng, thời gian từ khi lấy nước mặn vào ruộng chứa mặn đến khi san qua đám chịu, rồi kết tinh phải mất 6 ngày, mỗi tháng chỉ cào được 5 lứa muối. Tuy nhiên thời gian qua, trời nắng gắt nên chỉ 3 ngày là có thể cào muối, mỗi tháng cào được tới 8 lứa muối. Sản lượng muối tăng, diêm dân mừng nhưng cũng buồn vì sức mua chậm. Trong 8 lứa muối cào trong một tháng, thương lái hiện mua 5-6 lứa, còn đâu diêm dân phải trữ lại.
Bên cạnh đó, vụ muối năm nay, thời tiết thuận lợi ở giữa vụ nhưng bất lợi ở đầu vụ. Theo nhiều diêm dân, hàng năm, vào vụ muối mới, diêm dân cuốc xới ruộng rồi dùng bàn dện (khúc gỗ dẹp to bằng bàn tay) dài 2m, có cán dài 1m đầm da ruộng muối.
Trong các công đoạn làm muối thì đầm da là khâu công phu nhất và chi phí cao nhất, vì phải đầm mặt ruộng bằng phẳng như tờ giấy để thời điểm ruộng “đội muối” (kết tủa), muối trải đều cả mặt ruộng cho ra sản lượng muối cao. Nếu đầm không bằng phẳng, sẽ khiến chỗ này đã “đội muối”, chỗ kia vẫn còn nước thì sẽ phá hư cả đám ruộng.
Trong nghề đầm da ruộng muối, diêm dân mang dép trên (dùng miếng xốp hoặc miếng cao su to bằng tấm thớt luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân) để khi lội ruộng tăng tiết diện tiếp xúc với bề mặt ruộng, không bị lún.
Thường thì thuê công đầm một lần làm muối cả vụ. Thế nhưng đầu vụ muối năm nay, nông dân vào vụ chậm vì trời xuất hiện cơn mưa to, mặt ruộng vừa đầm xong bị dậy bùn nên phải thuê công đầm lại.
"Tôi có 6 đám ruộng thuê công đầm da muối lần đầu là 1,5 triệu đồng, do gặp mưa to, phải đầm lại lần 2 tốn 1 triệu nữa. Bù lại, sản lượng muối tăng cao nhưng giá bán hiện nay cầm chừng, sức mua chậm nên diêm dân vẫn gặp khó”, bà Trần Thị Diệu, làm muối ở vùng muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, Thị xã Sông Cầu) phân trần.
Thời gian qua, giá muối bán ra thị trường cũng không cao, chỉ bằng năm trước (khoảng 800 đồng/kg). Do tiêu thụ chậm nên nhiều ruộng muối cào dồn đống nằm xa khu vực vận chuyển, thương lái để lại, chủ muối phải bỏ tiền mua bạt về phủ.
Ông Phạm Văn Tình, người làm muối ở Tuyết Diêm chia sẻ: Gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 10 tấn muối nhưng các tư thương thu mua rất dè dặt nên chỉ mới bán được một nửa, còn lại tủ bạt.
Nguyên nhân chính dẫn đến sức tiêu thụ muối chậm như hiện nay một phần là do sản lượng muối năm nay làm ra khá cao, ai cũng tranh thủ bán, tư thương chỉ tìm mua muối ở chỗ vận chuyển thuận lợi, còn vùng cách xa đường thì để lại, ép giá.
Người làm muối lo lắng, thời gian đến sợ giá muối sẽ tiếp tục bị ép xuống nữa khi sản lượng thu hoạch muối ngày càng tăng cao ở giữa vụ.
Muối sạch cũng gặp khó
Thời gian qua, vùng muối Tuyết Diêm có nhiều người áp dụng làm muối trải bạt (muối sạch), hạt muối trắng tinh nên thương lái mua giá cao. Theo nhiều người làm muối, khó khăn trong khâu làm ra muối sạch là do không có vốn đầu tư sản xuất muối trải bạt, trung bình một đám muối rộng 1 sào chi phí trải bạt 5 triệu đồng. Thường một dây ruộng có 6 đám, chi phí lên đến 35 triệu đồng, thời gian sử dụng 4-5 năm.
Những vụ muối vừa qua, Phòng Kinh tế Thị xã Sông Cầu phối hợp với HTX Muối Tuyết Diêm triển khai xây dựng mô hình sản xuất muối sạch và hỗ trợ người dân làm các thủ tục để khai thác, quảng bá muối Tuyết Diêm.
Năm ngoái, vùng muối Tuyết Diêm có 6 ha sản xuất muối trải bạt, mô hình sản xuất muối sạch bước đầu có hiệu quả, muối làm ra đến đâu bán hết đến đó. Năm nay, diện tích muối sạch được đầu tư đưa vào sản xuất tăng gấp đôi năm ngoái. Thế nhưng ngược lại, năm ngoái muối trải bạt được thương lái mua 1.200 đồng/kg, năm nay giá muối rớt xuống chỉ còn 1.100 đồng/kg.
Bà Bùi Thị Lanh ở xã Xuân Bình than vãn: "Mấy năm nay, tôi sản xuất muối sạch có bạn hàng thu mua. Năm nay muối nhiều, bạn hàng bỗng dưng quayt sang chê ỏng chê eo. Vừa rồi tôi gọi điện thoại năn nỉ bán được vài tấn muối sạch giá 1,1 triệu đồng/tấn, trong khi năm ngoái tôi bán đến 1,2 triệu đồng/tấn".
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, vùng làm muối toàn Thị xã có 183,8 ha, trong đó có 13,5 ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt (chiếm tỉ lệ 7,3% tổng diện tích). Tổng số hộ tham gia sản xuất muối hiện có 570 hộ. Sản lượng muối đến 31/5 là 130 tấn, giá bán muối thô hiện nay khoảng 800.000 đồng/tấn (bằng giá so với cùng kỳ năm trước), nhưng giá bán muối sạch lại chỉ khoảng 1.200.000 đồng/tấn (giảm 100.000 đồng/tấn so với năm ngoái).
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, mặc dù tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được nhãn hiệu Muối Tuyết Diêm thuộc HTX Muối Tuyết Diêm, nhưng hoạt động sản xuất muối qua các năm vẫn không ổn định.
Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn diện tích sản phụ thuộc lớn vào thời tiết và chất lượng muối không cao, diêm dân tự tiêu thụ với giá cả bấp bênh. Thời gian đến, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và hoạt động của các HTX để đẩy mạnh việc tiêu thụ cũng như nâng cao giá thành của sản phẩm muối.
Năng suất lúa vụ đông xuân tăng 2,26 tạ/ha
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ lúa đông xuân 2020-2021, nông dân đã thu hoạch xong diện tích gieo trồng 26.606 ha, tăng 143 ha so với vụ đông xuân năm trước. Năng suất lúa bình quân đạt 77,36 tạ/ha, tăng 2,26 tạ/ha. Đây là vụ lúa năng suất rất cao, được mùa được giá.
Nguyên nhân do thời tiết tương đối thuận lợi, đầu vụ không có mưa lớn ảnh hưởng đến công tác gieo sạ, cùng với đó, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh lúa, sử dụng bộ giống lúa phù hợp với điều kiện từng vùng, xứ đồng; sử dụng giống đạt tiêu chuẩn, sâu bệnh giảm, nguồn nước dự trữ trong các hồ chứa cơ bản đủ cung cấp nước tưới cho vụ lúa.
* Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra vụ cháy rừng trồng xã Ea Ly làm cháy 11,26 ha rừng. Tại huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cũng xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng gây thiệt hai 1,95 ha rừng tại xã Suối Trai. Hiện cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định.
Trước thời tiết nắng nóng, đề phòng cháy rừng, Sở NN-PTNT triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, văn bản của UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ cháy rừng, giám sát chặt chẽ các đối tượng thường ra vào rừng trong thời điểm khô, hanh, khả năng dễ xảy ra cháy rừng cao.
Cùng với đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Trâm Trần
Mạnh Hoài Nam
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã