Bắc Trà My có địa hình đa phần là đồi núi. Người dân ở đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, chính quyền huyện đã lựa chọn phát triển trồng rừng làm mô hình kinh tế trọng điểm, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Nữ (trú thôn 1, xã Trà Tân) chia sẻ, trước đây gia đình chị chỉ biết làm nông. Việc làm nông tốn rất nhiều công sức nhưng số tiền thu về không đủ để trang trải cho gia đình. Cùng với việc phải chăm lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học đã khiến gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ sự vận động, hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ và chuyên gia trong huyện, gia đình chị đã quyết định chọn trồng cây keo để canh tác với mong muốn cải thiện và nâng cao đời sống.
Thời gian đầu, gia đình chị chỉ trồng gần 3 ha keo để thử nghiệm. Cùng với đó, chị Nữ và chồng cũng thường xuyên học hỏi về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây và đi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sau hơn 5 năm, hiện nay số keo của gia đình chị đã cho thu hoạch. Với giá bán hiện tại vào khoảng 10 triệu đồng/tấn, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị đã thu về số tiền lãi lên đến hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ riêng gia đình chị Nữ, nhiều hộ dân tại các xã như Trà Dương, Trà Nú, Trà Đốc, Trà Giáp… cũng đã từng bước tháo gỡ được nút thắt trong việc tìm hướng thoát nghèo thông qua mô hình trồng cây keo. Điển hình có thể kể đến gia đình anh Lê Đình Quân (trú thôn 2, xã Trà Giang).
Anh Quân cho biết: “Biết được giá trị từ rừng đặc biệt là rừng keo gỗ lớn nên tôi đã quyết định đầu tư trồng hơn 20ha.
Cùng với đó, tôi kết hợp nuôi thêm gà, vịt, bò cũng như các loại cây ăn quả khác nữa nên hiệu quả kinh tế cũng tăng lên. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được khoảng 120 triệu đồng, cũng gọi là có của ăn, của để, khá giả trong vùng”.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My, trên địa bàn huyện có hơn 34.000ha trồng rừng sản xuất. Trong đó, số lượng khai thác và trồng lại rừng sau khai thác (tính riêng cây keo) hằng năm trên địa bàn đạt khoảng 700 - 900 ha, tương đương 70.000 - 90.000 tấn keo nguyên liệu. Cùng với việc lồng ghép các mô hình phát triển sinh kế, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi… đã góp phần làm ổn định đời sống cho người dân.
Nhận thấy được hiệu quả mà rừng mang lại, chính quyền huyện Bắc Trà My cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn như: Chính sách ưu đãi về tiền thuế đất, vốn hỗ trợ, vốn vay cho người dân có điều kiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận các biện pháp kỹ thuật phù hợp, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Trong năm 2019, huyện Bắc Trà My cũng đã thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 106,92 héc ta tại các xã như Trà Đông, Trà Bui, Trà Dương, Trà Giác, Trà Giang, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Tân và thị trấn Trà My. Bước đầu, dự án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Việc triển khai dự án hỗ trợ trồng rừng trên địa bàn huyện đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.
LÊ KHÁNH/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã