Dưới làn nước trong xanh thấu đáy, cả ngàn con cá đang dùng bờ môi hấp dẫn ấy để cạp vào những tảng đá to tròn gặm rong rêu.
Nằm ở lưng chừng đèo Ái Au dưới chân con suối bắt nguồn từ đỉnh Khau Đao của xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là hệ thống 8 cái ao được thiết kế dạng bậc thang, quanh năm rào rào nước chảy, nuôi nhiều loại cá hiếm mà quý nhất là anh vũ. Chủ nhân của trang trại kỳ lạ này là cặp vợ chồng người Tày, Nguyễn Việt Hòa - Hoàng Thị Thơm…
Chuyện xưa kể rằng có người ngư dân trong lúc chài lưới đã bắt được một con cá rất dị thường với thân cá chép, mép lợn con liền dâng lên Hùng vương. Vua ăn xong nức nở khen, ban thưởng cho chàng, đặt tên cho cá là anh vũ, phong là "Văn Lang đệ nhất ngư" và ra chiếu dụ yêu cầu dân chúng nếu bắt được loài cá này phải dâng lên triều đình.
Giống cá quý này chỉ sống ở những nơi nước chảy xiết, dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào đá mà cạp rong rêu nên có đôi môi bành ra, dày, to rất đặc trưng. Đó cũng là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này, khiến cho nhiều người không tiếc công, tiếc của để mong một lần được cắn vào, lâng lâng trong khoảnh khắc đế vương.
Xưa, cá anh vũ phân bố từ sông Hồng, sông Lô mà nhất là đoạn ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì ngược lên sông Gâm ở Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang) rồi đến Bắc Mê (Hà Giang). Càng lắm thác, nhiều ghềnh thì chúng lại càng thích trú ngụ.
Nhưng rồi, các con đập dựng lên, các hóa chất đổ xuống sông cộng với kích điện, lưới mắt nhỏ, đánh bắt vô tội vạ khiến cho anh vũ gần như bị tuyệt diệt. Chúng hiếm đến nỗi một nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Thọ muốn chứng minh cho người tỉnh khác rằng địa phương mình có loại cá quý đã đặt dân vạn chài Bạch Hạc 15 năm liền cũng không bắt được một con nào.
Hơn 10 năm về trước, Trung tâm Giống quốc gia Thuỷ sản Nước ngọt Miền Bắc tại Phú Tảo, Hải Dương đã cho sinh sản thành công loài cá này và chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng cho anh vũ đẻ đã khó, nuôi chúng trong môi trường nước tĩnh còn khó gấp bội.
Dù đã làm dòng chảy nhân tạo, thả đá vào cho cá vừa làm hang vừa có rong rêu ăn nhưng chúng vẫn lớn hết sức chậm. Sau 5 - 7 năm nuôi, chúng chỉ nặng cỡ 1 - 2 lạng trong khi kích cỡ ăn ngon phải 5 - 7 lạng trở lên nên có chuyên gia đùa đời bố nuôi, đời con hưởng.
Vừa rồi lên Phú Thọ tôi được tin Trung tâm Giống thủy sản đã giải thể. Trước đó, đám cá anh vũ được kiểm đếm cẩn thận rồi thả xuống một số địa điểm trong đó có hồ công viên Văn Lang ngay trong lòng thành phố dưới sự giám sát của lực lượng chức năng.
Tiếc thay, về sau nhiều lần đánh lưới ở hồ nhưng chưa bao giờ người ta thấy bóng dáng một con cá nào có đôi môi kỳ lạ cả…
Cá anh vũ (Semilabeo notabilis) thuộc họ cá chép, có kích thước trung bình, chiều dài toàn thân từ 31 - 67cm, trọng lượng có thể lên đến 5kg, thịt thơm ngon nổi tiếng, xưa thường dùng để tiến vua.
Quê gốc của anh chị đều ở bên dòng sông Gâm của huyện Na Hang (Tuyên Quang). Bố của chị Thơm từng là cao thủ săn cá anh vũ mà tiếng Tày gọi là pe pó. Chỉ cần xách lưới đi từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối là ông mang về cả yến cá dầm xanh, anh vũ, phổ biến nhất là loại nặng 5 - 7 lạng, đôi lúc có con nặng trên 1kg. Cá đem chặt khúc, giữa rán, đầu, đuôi nấu măng, nhiều thì cho anh em, ít để gia đình dùng chứ không bao giờ bán.
Chị Thơm bảo, giống cá này ruột chỉ nhỉnh hơn cái tăm, rất ít xương răm, thịt thơm và ngọt khó tả. Đặc biệt là không bao giờ chị thấy chúng có trứng, có lẽ là chưa đủ kích cỡ để trưởng thành.
Hồi ấy, cả nhà ai cũng chê đầu cá, chỉ mỗi mình chị ăn nên mới biết đôi môi lắm sụn, giòn sần sật của anh vũ nó ngon đến thế nào. Hàng trăm đôi môi của loài cá quý đã đi qua môi chị như vậy cho đến năm 16 tuổi, khi bố chị đột ngột mất…
Đến khi khởi công Thủy điện Na Hang năm 2002, các thác ghềnh trên dòng sông Gâm bị chặn lại khiến cho loài cá anh vũ ở dưới hạ lưu gần như biến mất, chỉ thỉnh thoảng thấy một vài con ở mạn Bắc Mê của tỉnh Hà Giang.
Trước đấy, quê cũ có một người Mông tên là A Sềnh ở Thúy Loa đã thử nuôi anh vũ trong ao nước chảy với nguồn giống bắt từ sông lên nhưng kể từ năm 2005 khi vợ chồng chị di dân về xã Thượng Lâm thì bặt tin tức, không biết thành công hay thất bại. Trên đất mới, họ mở cửa hàng bán tạp hóa gần chợ nhưng vẫn da diết nhớ nghề cũ là nuôi cá.
Năm 2014 khi tình cờ đi qua đèo Ái Au, thấy mảnh đất hoang mọc đầy lau sậy kề bên dòng suối trong veo chảy ra từ khe núi họ liền có ý tưởng đào ao để thả cá. Lúc đầu anh Hòa dựng một túp lều ở một mình để cải tạo. Năm sau, họ bán hết 3 thửa đất ở gần trung tâm xã dồn vốn mở rộng thành cơ ngơi rộng 3 ha như hiện tại với rừng, vườn cây, ao cá và chuồng trại.
Cách xa lòng hồ nên không có nguồn tôm tép để nuôi các loại cá chuyên ăn thịt như lăng, chiên, quất họ quyết định nuôi các loại cá “ăn chay” như trắm, trôi, mè, chép.
Năm 2017 anh Hòa lên huyện Bắc Mê của tỉnh Hà Giang mua 1 vạn cá bỗng (giống cá ở suối cá thần trong Thanh Hóa) và 100 con cá anh vũ với giá đồng hạng 4.000 đồng/con. Sở dĩ mua ít thế bởi cá giống được ngư dân vớt lên từ sông chỉ to bằng đầu đũa nên không biết thật giả thế nào.
Chỉ đến khi nuôi được chừng nửa năm, to bằng ngón tay cái, đôi môi dày đặc trưng của anh vũ phát lộ thì anh chị mới mạnh dạn mua thêm 2.000 con nữa, thả cùng các loại cá khác. Bởi diện tích rộng, thức ăn đầy đủ nên chúng sống chung khá thuận hòa.
Ngày đêm họ ra ao quan sát đặc tính của loại cá mới. Anh vũ có thói quen liếm theo bờ gặm rong rêu, hay tụ tập ở chỗ có dòng chảy và thích bơi theo con nước. Nếu ống dẫn nước mà quên bịt lưới chúng có thể đi từ ao dưới lên ao trên, từ ao trên lên suối dù chênh lệnh độ cao cả 0,5 - 1m.
Ngược lại với sự dạn dĩ của cá bỗng đến nỗi hễ đói mà thấy bóng chủ đi một bước trên bờ thì dưới nước chúng cũng đuổi theo đòi ăn, cá anh vũ rất nhút nhát. Dù được thuần hóa từ nhỏ chúng vẫn giữ nguyên tập tính như ngoài tự nhiên, ưa trốn trong hang để tránh các loại cá săn mồi, đặc biệt là vào mùa đông, chỉ lúc nào đói mới chịu chui ra.
Bởi thế mà ngoài thả các ống nhựa xuống ao làm nơi trú ẩn cho chúng anh chị phải khuân những tảng đá nhẵn về xếp thành hang dưới đáy cho anh vũ vừa có chỗ chui ra chui vào vừa để có chỗ rêu mọc.
Có lần, 1 cái ao bị rò, phải cắt nước để sửa. Bị dồn lại vào vũng, lũ cá bỗng quẫy ầm ầm, chừng 5 phút là sặc bùn chết mất 7 tạ, thiệt hại cỡ 150 triệu đồng. Nhìn đám cá vớt lên trắng cả sân nhà, chị Thơm muốn khóc mà nước mắt không thể rỉ ra nổi.
Cũng may là anh vũ rất khỏe nên chẳng hề bị suy suyển. Hết đận rò ao lại đến lần lũ về, một số con anh vũ vui nước mới đã theo đường ống bơi ngược lên suối mà chẳng hề quay lại…
Mỗi năm họ thu lãi từ cá trắm, trôi, chép được chừng 150 triệu dùng để lấy ngắn nuôi dài bởi cá đặc sản như bỗng phải nuôi 3 - 4 năm, đạt trọng lượng trên 3kg mới có giá 250.000 đồng/kg còn anh vũ phải nuôi 4 - 5 năm, đạt trọng lượng 5 - 7 lạng mới có giá 3 - 4 triệu đồng/kg. Hiện tại, những con anh vũ 3 năm tuổi đã nặng chừng 4 - 5 lạng, 2 năm tuổi nặng chừng 2 - 3 lạng, một tốc độ lớn khá khả quan.
Dịp tết năm ngoái, điện thoại của anh chị liên tục đổ chuông đến nóng máy bởi những cuộc gọi đặt mua anh vũ của người thích biếu xén hay nhiều tiền ăn để cho biết. Vì cá còn chưa đạt kích cỡ chuẩn nên họ bán rất hạn chế, chỉ dăm ba con đủ để giữ mối cho những năm sau với giá 2,5 - 3 triệu đồng/kg.
Thỉnh thoảnh có một vài con bắt lên chẳng may bị chết anh chị cũng tự thưởng cho mình. Niềm vui bất tận của họ chỉ đơn giản là ngày ngày được thấy lũ cá khỏe mạnh bơi tung tăng trong những chiếc ao “vô cực” với mép nước sóng sánh giữa lưng chừng trời mây.
Dương Đình Tường/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã