Quyết tâm giữ lửa nghề chổi đót Thạnh Hòa
Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa có truyền thống hơn 30 năm qua. Trải qua nhiều thăng trầm, người dân làng chổi đót Thạnh Hòa vẫn bền bỉ giữ nghề.
Hiện nay, làng nghề có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất thường xuyên; ở đây, hầu như nhà nào cũng biết làm chổi đót. Nhờ nghề này mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gắn bó với cây đót gần 30 năm, bà Huỳnh Thị Xuân tìm tòi học nghề làm chổi từ các cụ cao niên, sau đó lên tận miền núi để hái đót tươi về bện chổi. Nhớ lại những năm tháng thăng trầm với nghề, bà Xuân nghẹn ngào: "Khi xưa làng này nghèo lắm, đất canh tác thì ít mà rỗi nghề thì nhiều...".
Theo bà Xuân, thấy được lợi ích kinh tế từ nghề làm chổi đót, tôi đã mạnh dạn học và giữ nghề cho đến bây giờ. Tuy nghề này không đem lại thu nhập cao nhưng giúp tôi và nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng".
Theo bà Xuân, vì nghề làm chổi đót không khó nên mọi người trong làng ai cũng học được, cùng chỉ dạy nhau để phát triển kinh tế. Cây đót chỉ vào mùa hái bông một lần trong năm (tháng Giêng), nên lúc này nhà nào trong thôn cũng rộn ràng mua đót về phơi trữ.
Nhà nhiều thì phơi cả sân đót 50 triệu, nhà ít thì phơi cũng được vài trăm kí. Bông đót tươi được mua từ miền núi Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, và tỉnh Quảng Ngãi… với giá trung bình 70.000 đồng/kg.
Chị Lan (Tổ trưởng làng nghề chổi đót Thạnh Hòa) chia sẻ, đa số người dân trong thôn sản xuất theo hộ gia đình nhỏ lẻ, tranh thủ lúc nông nhàn để làm chổi kiếm thêm thu nhập. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ chổi ngày càng mạnh, thì nghề làm chổi đót trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Đến mùa đót tươi, bà con mạnh dạn đầu tư vốn mua đót về phơi cất trữ, hoặc vay vốn để có tiền mua nguyên liệu sản xuất lâu dài.
Để làm nên một cây chổi chất lượng, thì nguyên liệu đót phải đảm bảo được phơi đủ nắng, có màu xám xanh đẹp mắt. Vì phơi ba tấn đót tươi, mới được một tấn đót khô nên giá thành đót khô khá cao, dao động từ 17.000-20.000 đồng/kg.
Nghề chổi đót giúp các hộ dân ổn định
Làng nghề chổi đót Thạnh Hòa không chỉ làm ra những cây chổi đót thủ công bền, đẹp, chắc, mà còn luôn đổi mới sản xuất để làm ra những sản phẩm hợp với thị hiếu của thị trường. Bên cạnh sản phẩm chủ lực truyền thống là chổi đót bện mây, thì những loại chổi mới như: chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp… cũng được nhiều hộ đẩy mạnh sản xuất.
Chị Thôi, người có hàng chục năm tuổi nghề làm chổi vui vẻ nói: "Sinh ra đã biết làm chổi nên sống cũng nhờ vào bông đót, sợi mây, dây cước. Nhưng từ khi lập gia đình, chị và chồng ngoài việc làm chổi, còn nuôi thêm vài trăm con vịt để ổn định kinh tế gia đình. Nếu tranh thủ được nhiều thời gian trong ngày thì hai vợ chồng làm được 100 cây chổi nhựa (20.000-25.000 đồng/cây), trừ đi chi phí tôi lãi khoảng hơn 200.000 đồng/ngày".
Cạnh nhà chị Thôi cũng có hai hộ làm chổi đót, theo xu hướng của người tiêu dùng mà họ đã chuyển đổi từ làm chổi đót cán mây sang chổi cán nhựa, cán trúc. Nhờ vậy, nhà nghề giảm được công sức và tiết kiệm thời gian làm việc, nâng cao năng suất.
Anh Bùi Chuyên (50 tuổi), tay vừa bắn vít vào cán chổi vừa cho biết: "Lúc trước nhà tôi làm chổi đót bện mây, một ngày chỉ bện được khoảng 20 cây nên mức thu nhập thấp. Gần ba năm nay, hai vợ chồng chuyển sang làm chổi cán nhựa vì làm nhanh tay hơn, không đòi hỏi quá khéo léo, lại tiện lợi nên hàng bán rất chạy, nhanh có lãi hơn trước. Cứ mỗi sáng, thương lái lại đến tận nhà mua hết số chổi vừa làm hôm qua (trung bình 50 cây/ngày) nên tôi phấn khởi lắm".
Được biết, chổi đót Thạnh Hòa được xuất bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được đông đảo khách hàng tin dùng. Điều đó giúp dân làng hứng khởi hơn trong duy trì sản xuất và tự hào về chất lượng, thương hiệu của làng nghề truyền thống. Bằng cách kết hợp làm chổi đót với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, bà con thôn Thạnh Hòa đã có đời sống ổn định, kinh tế phát triển bền vững và tiếp tục gắn bó với nghề làm chổi.
"Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ sản xuất chổi đót Thạnh Hòa vay vốn sản xuất, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô để giải quyết lao động, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang định hướng thành lập HTX chổi đót Thạnh Hòa giúp ổn định quy mô sản xuất cũng như đầu ra sản phẩm cho bà con, nhằm xây dựng thương hiệu chổi đót Thạnh Hòa ngày càng bay xa…", ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho hay.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/ Dân Việt
https://danviet.vn/quang-nam-ca-lang-nay-phat-len-nho-nghe-lam-choi-dot-20200716082151987.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã