HTX sản xuất giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả Trà Sơn bán khoảng 1,5 tấn cam tại lễ hội cam.
Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Năm nay, thời tiết mưa lạnh nên có những thời điểm vắng khách, riêng trong ngày thứ 2 của lễ hội (ngày 19/12), trời tạnh ráo nên khách rất đông, chúng tôi phải về chở hàng ra 3 lần. Tính ra lễ hội năm nay, cơ sở bán được gần 600 lít nước mắm và một số sản phẩm ruốc, tổng thu hơn 70 triệu đồng. Điều đáng mừng nhất là, sau khi lễ hội kết thúc, nhiều khách đặt nước mắm làm quà tặng, nhà hàng lấy số lượng lớn sử dụng và một số cơ sở kinh doanh đặt hàng về bán”.
HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương bán gần 600 lít nước mắm trong 3 ngày.
Là thương hiệu cam được nhiều người biết đến nên lễ hội năm nào, cơ sở cam Hoài Luân (xã Quang Thọ, Vũ Quang) cũng tiêu thụ được số lượng cam lớn. Năm nay, đơn vị này thu về gần 140 triệu đồng.
Ông Đoàn Quốc Hoài – chủ cơ sở cam Hoài Luân phấn khởi cho hay: “Tại lễ hội, chúng tôi bán được 2,5 tấn cam, cam đưa xuống đến đâu bán hết đến đó. Đặc biệt, đầu giờ chiều ngày cuối lễ hội khách vẫn lại hỏi mua nhưng hết hàng, đường xa chúng tôi không tiện về cắt thêm. Sau đó, chúng tôi còn bán được khoảng 1 tấn cam cho khách đặt mua từ lễ hội. Với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg, tính ra doanh thu từ lễ hội cam năm nay được gần 140 triệu đồng”.
Cơ sở cam Hoài Luân là đơn vị nhiều năm liền có doanh thu lớn từ lễ hội cam.
Sau lễ hội cam, cơ sở sản xuất giò chả Tiến Giáp (thị trấn Hương Khê) lại tất bật chuẩn bị hàng hóa khi có thêm những mối hàng mới. Anh Nguyễn Đình Giáp – chủ cơ sở giò chả Tiến Giáp hồ hởi khoe: “Trong 3 ngày tại lễ hội cam, các sản phẩm xúc xích, giò me, giò lụa, chúng tôi bán được khoảng 130 triệu đồng. Vui hơn là nhờ tham gia lễ hội, có 4 khách hàng ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ sau khi ăn thử đã đặt mối hàng để bán lâu dài.
Ngoài ra, trong lễ hội có khách từ Nam Định tới tham quan, mua hàng, sau đó về đã gọi điện đặt cung cấp hàng thường xuyên. Đây cũng là điều chúng tôi mong muốn khi mang sản phẩm tới lễ hội cam hay các hội chợ xúc tiến thương mại”.
Niềm vui với cơ sở giò chả Tiến Giáp không chỉ là bán hàng trực tiếp tại lễ hội mà còn “bắt” được những mối tiêu thụ hàng lâu dài.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khác cũng đã kết nối, bán được lượng hàng lớn từ lễ hội cam như: cơ sở giò lụa Trường An, HTX sản xuất giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả Trà Sơn (Can Lộc), cam Tân Thanh Phong (Hương Khê), nem chua Ý Bình (Hương Sơn)…
Anh Trần Quang Đạo - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho biết: “Với các sản phẩm: giò lụa, cam, tinh bột nghệ, mật ong, rượu... mang đến lễ hội cam, tổng doanh thu từ các gian hàng của huyện đạt hơn 500 triệu đồng. Trong đó, thương hiệu cam Thượng Lộc được khách ưu tiên lựa chọn nên riêng doanh thu từ cam khoảng 300 triệu đồng”.
Thu hút đông đảo khách hàng tới thưởng thức và mua sắm, cơ sở giò chả Trường An thu về khoảng 150 triệu đồng từ lễ hội cam.
Theo anh Đinh Hữu Sang – Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương), lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn, trang trí đẹp, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn tham gia và thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. Các sản phẩm cam, bưởi, nông sản đa dạng về chủng loại và là đặc sản tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đó, trong 3 ngày diễn ra lễ hội cam năm 2020, có hơn 10.000 lượt khách tham quan mua sắm; riêng đêm khai mạc có trên 3.000 lượt người tham gia. Tổng giá trị hàng hóa mua bán ngay tại lễ hội đạt 3,2 tỷ đồng, trong đó: 54 tấn cam, hoa quả được tiêu thụ với doanh thu 2,1 tỷ đồng; doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp khác 1,1 tỷ đồng. Nhiều địa phương bán được lượng hàng lớn như Can Lộc, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh…
Từ những kết quả này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã quan tâm, liên hệ với Ban tổ chức để đăng ký tham gia vào các lễ hội lần sau.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã